Các đại biểu tham dự hội thảo cũng góp ý, dự thảo Pháp lệnh cần làm rõ khái niệm “thân nhân của người có công”, bên cạnh cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con nên bổ sung thêm người nuôi dưỡng liệt sĩ, cha mẹ nuôi, con nuôi.
Với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy vợ, chồng khác, đại diện nhiều quận huyện cũng góp ý nên cho hưởng đầy đủ chính sách với thân nhân người có công, chứ không chỉ là một vài chính sách hỗ trợ như hiện nay.
Đại diện Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Quận 3 đề nghị sử dụng cụm từ “đảm bảo nơi ở cho người có công” hơn là “hỗ trợ”. Bởi quy định hiện nay là hỗ trợ tiền xây dựng sửa chữa nhà cho người có công, nhưng thực tế nhiều người không có đất, không thể hỗ trợ xây nhà được, nên vẫn còn những người có công không được đảm bảo về nhà ở, phải lang thang rày đây mai đó.
Về trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, đại diện quận Bình Thạnh đề nghị xem xét lại quy định về ủy quyền, để người nào giữ bằng Tổ quốc ghi công và thờ cúng thực tế thì được hưởng chính sách. Vì thực tế nhiều trường hợp không đồng ý ủy quyền, mà nếu vậy thì không thực hiện được chính sách này.
Các đại biểu cũng góp ý dự thảo cần nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo thuận lợi để người có công và thân nhân được hưởng các chế độ chính sách, bởi qua thực tế có một số nơi chưa thực sự tạo điều kiện thậm chí gây khó dễ cho người có công và thân nhân.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng mọi điều khoản phải chứa đựng sự tôn trọng và lòng biết ơn. Chính sách và đối tượng phải mở hơn so với pháp lệnh hiện hành, điều kiện thụ hưởng phải thuận tiện hơn.
Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến rộng rãi. Pháp lệnh hiện hành được thông qua năm 1994, đến nay đã trải qua 6 lần sửa đổi. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh bộc lộ một số bất cập, như các khái niệm, quy định chưa rõ ràng dẫn tới những trường hợp lợi dụng, khai man, gian lận làm giả hồ sơ để trục lợi chính sách. Bên cạnh đó là tình trạng khiếu nại, tố cáo tăng. Lần sửa đổi này, Bộ đánh giá là “sửa đổi toàn diện” nhằm tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.