Ngày 16-8, Trường ĐH Luật TPHCM phối hợp với Đoàn Luật sư TPHCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Theo luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LSVN), Bộ Tư pháp cần xem xét lại việc điều chỉnh quy định gia hạn CCHNLS có thời hạn 5 hoặc 10 năm được nêu tại Điều 17 và Điều 19 của Đề cương. Bởi lẽ, CCHNLS do Bộ Tư pháp và Thẻ Luật sư do LĐLS Việt Nam cấp như quy định của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi năm 2012) không có thời hạn là một bước tiến lớn, gắn liền với chức phận nghề nghiệp, danh dự, uy tín suốt đời của mỗi luật sư. Việc quy định như Đề cương thật sự là một bước lùi lớn, không phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Luật sư năm 2006.
Quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư cũng có nghĩa là tạo những điều kiện thuận lợi về các mặt định hướng, quản lý và tổ chức, cơ chế quản lý, thủ tục tố tụng và giải quyết các khiếu nại, tố cáo; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giám sát của hệ thống các cơ quan quyền lực, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động luật sư. Trên tinh thần đó, Đề cương cần xác định rõ phạm vi nội dung quản lý nhà nước bảo đảm không làm thay công việc của tổ chức xã hội- nghề nghiệp luật sư, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động hành nghề luật sư; phải bảo đảm các thiết chế và thủ tục quản lý phải theo hướng giảm bớt sự rườm rà, nhiều tầng nấc quan liêu, làm bất lợi cho vai trò tự quản và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.
Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn LSVN đặt vấn đề, quy định CCHNLS chỉ có “hiệu lực trong một thời hạn nhất định” thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại, khó khăn cho luật sư và cũng không làm tốt hơn các biện pháp quản lý nhà nước. Ví dụ: Khi luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong các vụ án, tham gia tư vấn, làm việc cho khách hàng mà khi đó CCHNLS sắp hết thời hạn hiệu lực thì chắc chắn phát sinh rất nhiều khó khăn. Xét về tâm lý của khách hàng thì sẽ rất bất an, không yên tâm khi nhờ một luật sư có tình trạng CCHNLS sắp hết thời hạn để tham gia bảo vệ quyền lợi, thực hiện công việc cho mình.
“Đối với các cơ quan tố tụng, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với một luật sư có CCHNLS sắp hết thời hạn hiệu lực thì khả năng cũng sẽ có những vấn đề yêu cầu luật sư cung cấp thêm các thủ tục chứng minh về cấp đổi, gia hạn CCHNLS, rất phiền phức”, luật sư Nguyễn Thế Phong băn khoăn.
Theo TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, Luật Luật sư năm 2006 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 đã có hiệu lực thi hành gần 18 năm. Trước bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, đòi hỏi Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước tương thích với pháp luật quốc tế, nhất là sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Trong đó có vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động hành nghề luật sư.