Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Đi thẳng vào các điều luật

Ngày 14-2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 20, toàn bộ thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua việc ban hành cũng như những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành nội quy kỳ họp Quốc hội; cho ý kiến tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3 Quốc hội khóa XV; thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Công tác nhân sự được tiến hành chặt chẽ

UBTVQH nhận định, kỳ họp bất thường lần thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ 3 của Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo. Công tác nhân sự tại cả 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề được nhiều ủy viên UBTVQH cho ý kiến là việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội còn chậm, gây khó khăn trong việc nghiên cứu, góp ý. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn: “Kỳ họp nào cũng có chuyện chậm gửi tài liệu với các lý do quen thuộc: vấn đề mới, khó, địa phương báo cáo chậm, công việc nhiều và nguồn lực không đủ để làm… Tôi cho rằng các bộ ngành phải có phản ứng linh hoạt, nghiên cứu thấu đáo hơn để đưa ra lý lẽ thuyết phục. Trong xây dựng pháp luật, phải phân tích đầy đủ, nhiều chiều tất cả các phương án chứ đừng chỉ “ca ngợi” phương án chọn. Cần coi việc chuẩn bị tài liệu đầy đủ, đúng hạn là tiêu chí đánh giá năng lực chuyên môn, thậm chí là năng lực quan trọng số một của các bộ ngành”.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, song cho rằng “vẫn cần nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng hơn nữa”. “Quá trình hoàn thiện, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất vất vả, nếu không rút kinh nghiệm thì tới đây Luật Đất đai (sửa đổi) cũng rất dễ bị chậm. Sửa Luật Đất đai mà cũng vận hành như Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì vất vả lắm, vì luật này khó hơn nhiều. Vậy nút thắt thể chế là gì, chính sách hiện nay bất hợp lý thế nào. Nay đã là giai đoạn sát sườn rồi, vì thế nên đi thẳng góp ý vào các điều luật, chứ không nên nói nhiều về nguyên tắc, mục tiêu xây dựng luật nữa”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Linh hoạt trong huy động nguồn lực cho phòng thủ dân sự

Liên quan đến quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến trong ủy ban (cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án luật - PV) tán thành với việc quy định lập Qũy Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình, để chủ động nguồn lực ứng phó (phương án 1). Theo đó, Qũy Phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ tu sửa nhà ở, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học; quỹ này được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực ủy ban đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự mà nên thiết kế phương án linh hoạt hơn để huy động nguồn lực trong trường hợp thật sự cần thiết (phương án 2). Đó là: trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cũng như các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.

Đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, phương án như Chính phủ trình sẽ không phù hợp với Luật Ngân sách, bởi hàng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh… Nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Trong khi đó, 2 quỹ không thể trùng một nội dung chi.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh, hoạt động Phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan nhiều lĩnh vực và khi xảy ra thảm họa, sự cố thì gây ảnh hưởng rất lớn nên Chính phủ đề xuất phương án 1 để có sẵn nguồn lực nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết ban đầu. Trong quá trình xử lý thảm họa, sự cố, vẫn phải tiếp tục huy động tiếp các nguồn lực, vì thế phương án 2 có một số điểm hợp lý. “Chúng tôi cho rằng cần tích hợp thêm một số ý của phương án 2 vào phương án 1 để linh hoạt thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương phát biểu.

Góp ý dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản

Chiều 14-2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đã đến dự.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, sau hơn 8 năm đi vào cuộc sống, trong quá trình thực thi, 2 luật này đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, có nhiều quy định chồng chéo với các luật liên quan, có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi 2 luật này là rất cần thiết, nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, góp ý, Luật Nhà ở liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của luật nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan để tránh sự chồng lấn về phạm vi điều chỉnh giữa các luật.

Trong khi đó, luật sư Lê Hồng Nguyên, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TPHCM, cho rằng, việc đẩy giá lên đã tạo thành “bong bóng” bất động sản; việc kê khai giá trị tài sản để nộp thuế thấp hơn rất nhiều lần giá trị giao dịch thật đã làm Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, trước hết cần duy trì, phát triển các sàn giao dịch bất động sản và khi giao dịch chuyển nhượng, tất cả cần đưa lên sàn giao dịch để thuận lợi kiểm soát.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục