Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, là sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức vào cuối năm 2023. Đại hội quyết định những chủ trương lớn trong công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2023 - 2028. Vì vậy, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng là cán bộ Đoàn, hội viên, sinh viên, cựu cán bộ Đoàn, hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, phóng viên nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa X để trình đại hội.
Anh Nguyễn Bá Cát, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai phong trào trung tâm là “Sinh viên 5 tốt”, chương trình “Tư vấn, đồng hành, hỗ trợ sinh viên”, chương trình “Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh” và dự kiến xây dựng 5 đề án trọng tâm nhiệm kỳ.
Vì vậy, hội nghị tập trung đánh giá những ưu điểm, hạn chế các chương trình, phong trào. Từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm và phân tích những hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ vừa qua; trao đổi mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng; điều chỉnh cách thức xây dựng chỉ tiêu với những con số cụ thể để kiểm đếm, đánh giá hiệu quả.
Mục tiêu của Hội Sinh viên Việt Nam là làm sao hình thành lớp sinh viên toàn diện để sau khi hoàn thành chương trình học tập, có đầy đủ kiến thức, bản lĩnh, kỹ năng, sức khỏe để tiếp cận tốt nhất với những cơ hội trong đời sống.
Anh Nguyễn Bá Cát, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tặng hoa biểu dương việc tổ chức sự kiện tại TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam của các tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến. Trong đó, nhiều đại biểu đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028; đề xuất nâng cao năng lực chuyển đổi số, kỹ năng số đối với phong trào sinh viên; ưu tiên, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”; cần có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện kỹ năng….
Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa bàn toàn tỉnh có trên 12.500 sinh viên, trong đó trên 3.800 sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 30%.
Nhiều sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn như sống trong gia đình đông con vừa học vừa làm, số khác gặp khó về phương tiện đi lại…. Vì vậy, tỉnh mong muốn Trung ương Hội sẽ có những tiêu chí tạo điều kiện cho sinh viên dân tộc thiểu số, sinh viên yếu thế, tạo môi trường để sinh viên phát triển toàn diện.
Chị Đặng Thị Bảo Trinh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Quảng Nam chia sẻ, Trung ương Hội Sinh viên cần có thêm nhiều chương trình tư vấn, đồng hành, hỗ trợ sinh viên thiết thực, gần gũi và phù hợp hơn, nhất là giai đoạn sau khi tốt nghiệp. Chị Trinh cũng đề nghị báo cáo chính trị cần có nội dung hoặc phụ lục thống kê số lượng sinh viên đã và đang làm thêm để trang trải cuộc sống; đánh giá tác động của làm thêm đến việc học đối với sinh viên...
“Tôi nghĩ cần có khảo sát để thống kê về nội dung này. Các bạn sinh viên sẽ đồng thuận vì có mình trong đó và sẽ cảm nhận được sự gần gũi của Hội Sinh viên khi luôn bên cạnh, theo sát và đồng hành từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt và học tập”, Chị Trinh gợi mở.