TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, những nội dung góp ý được điều chỉnh ở dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh, cũng như các cơ sở y tế trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Dự thảo luật hiện không yêu cầu thủ tục chuyển tuyến từ tuyến trên về y tế cơ sở, do đó người bệnh sẽ thuận tiện khi chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là với người bệnh mạn tính. Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tiếp tục đề nghị bổ sung hình thức thanh toán chi phí BHYT cho trường hợp cấp cứu ngoài bệnh viện. Hiện nay, Luật Khám chữa bệnh năm 2023 đã bổ sung mã ngành cấp cứu ngoài bệnh viện và hệ thống cấp cứu 115 phủ sóng khắp cả nước, tiếp nhận xử trí rất nhiều trường hợp tai nạn, chấn thương, đột quỵ, ngưng tim ngưng thở.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, đề nghị bổ sung người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên vào đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Theo quy định hiện hành, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội và được nhà nước cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi mà không hưởng trợ cấp hàng tháng là đối tượng yếu thế của xã hội, cần được quan tâm trong lưới an sinh.
Liên quan đến quyền lợi BHYT của trẻ em, hiện trẻ dưới 6 tuổi có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh đều được được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT (kể cả chưa có thẻ BHYT). Tuy nhiên, thiệt thòi nằm ở nhóm trẻ em không làm được giấy tờ tùy thân. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng đề nghị cần có quy định cụ thể để đảm bảo các em được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh cũng như được chăm sóc sức khỏe một cách công bằng.
Phát biểu kết luận, đồng chí Hà Phước Thắng cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ghi nhận các ý kiến của các đại biểu rồi tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị thẩm tra và chủ trì biên soạn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.