Ngày 8-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Đồng chí Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết của xây dựng và ban hành hai luật riêng nêu trên để thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Các đại biểu đánh giá, dự thảo luật đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến góp ý của đại biểu trong các buổi hội thảo trước đó.
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TPHCM) góp ý bổ sung về phạm vi điều chỉnh ở điều 1 của Luật TTATGTĐB. Theo luật sư, luật quy định về phạm vi điều chỉnh là trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng để bao quát thì cần bổ sung thêm trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chấp hành luật. Đây là luật có ảnh hưởng lớn tới tất cả chủ thể trong xã hội nên luật phải điều chỉnh trách nhiệm của toàn xã hội.
Tương tự, tại khoản 3 điều 4 quy định về nguyên tắc của luật cũng cần thêm nội dung: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đối với nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều ở khoản 1 điều 9 về quy định cấm hoàn toàn nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi điều khiển phương tiện giao thông, luật sư Trương Thị Hòa nêu quan điểm ủng hộ vì phù hợp thực tế hiện nay tại Việt Nam. Theo luật sư, thực tiễn áp dụng vừa qua cũng cho thấy hiệu quả kéo giảm tai nạn giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
“Sau này, khi nhận thức của người dân, xã hội được nâng cao tới một mức độ nhất định, lúc ấy có thể nghiên cứu thiết kế một giới hạn nồng độ cồn cụ thể để đưa ra mức phạt”, luật sư Trương Thị Hòa nhận định.
Nghiên cứu dự thảo Luật TTATGTĐB, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TPHCM góp ý cụ thể về định nghĩa "Ùn tắc giao thông đường bộ". Dự thảo định nghĩa điều này là tình trạng phương tiện tham gia giao thông bị dồn ứ, di chuyển với tốc độ rất chậm hoặc không thể di chuyển được. Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, định nghĩa này chưa phù hợp đặc thù các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội… nên cần điều chỉnh để tránh hiểu lầm dẫn đến sai sót trong thống kê.
Bên cạnh đó, tại điều 63 quy định thời gian lái xe của người lái ô tô không quá 10 giờ trong một ngày, nhưng trong điểm b khoản 3 của điều này có quy định thời gian nghỉ ở trường hợp lái xe “Từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau”. Điều này gây hiểu lầm vì thời gian lái xe từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau là vượt quá thời gian lái xe 10 giờ/ngày rất nhiều. Hiểu đúng thì phải quy định là “Từ 22 giờ ngày hôm nay đến 6 giờ ngày hôm sau”.
Thượng tá Đoàn Văn Quới nhấn mạnh, đây là luật có ảnh hưởng rất lớn toàn bộ chủ thể tham gia giao thông nên từ ngữ, lời văn phải chính xác, dễ hiểu, tránh gây tranh cãi không đáng có trong quá trình áp dụng, nhất là giữa lực lượng chức năng với người dân, doanh nghiệp.
Góp ý cụ thể về một số điều trong dự thảo Luật Đường bộ, Đại tá Trần Thảo, Trưởng Khoa Cảnh sát giao thông, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đề nghị, trong khoản 3 điều 43 quy định về thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng hoặc một dừng. Để phù hợp, cần quy định cụ thể loại đường nào thu không dừng, loại nào thu một dừng, không nên ghi chung chung vì thực tế hiện nay, đường cao tốc đã thực hiện thu phí không dừng.
Dự kiến, Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).