Từ Hòn Ngọc Viễn Đông đến màu xanh Singapore
Sài Gòn xưa có danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông thu hút dân cư đến làm giàu với dấu ấn kiến trúc còn để lại là các công trình lớn, villa, biệt thự, các khu kinh doanh Hoa kiều, phố Tây… Báo chí từng đăng tin “50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Singapore sẽ được như Sài Gòn. Khi đó Singapore chỉ là một làng chài, nhưng nay là đô thị số 1 trong khu vực, cả về kinh tế và chất lượng sống”.
Danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông có được còn nhờ có không gian xanh. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái từng chia sẻ “Sài Gòn những năm 1950, ở khu trung tâm TP, các ngôi biệt thự vẫn là villa kiểu Pháp giống như ở Đà Nẵng hoặc Huế nơi tôi lớn lên, nhưng thật sự tôi choáng ngợp trước các tòa dinh thự công quyền đồ sộ và uy nghi của một thủ phủ, to lớn hơn rất nhiều công trình đã từng nhìn thấy trước đó, với các đại lộ rộng, trồng cây thẳng tắp, ngăn nắp, trật tự, công viên xinh đẹp có mặt khắp nơi...”.
Trong lần dự hội thảo quy hoạch phát triển đô thị tôi được nghe một nhà khoa học quốc tế người nước ngoài phát biểu rằng, tiêu chí hàng đầu đánh giá chất lượng sống cho một TP là xét đến cây xanh. Sài Gòn xưa có danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông không vì các công trình lớn mà còn nhờ cảnh quan thoáng đãng, phủ nhiều sắc xanh mới có không gian sống trong lành.
Đến Singapore, lúc máy bay đang hạ cánh, từ trên cao nhìn xuống quan sát tôi thấy đất nước này phủ sắc màu xanh tươi và trong lòng thầm thán phục. Dạo bộ trên đường phố tôi đã cảm nhận sâu sắc những lời phát biểu nhà khoa học người nước ngoài khi đưa ra tiêu chí hàng đầu cho TP là cây xanh.
So với Sigapore nhìn từ trên cao, TPHCM cũng có nét tương đồng là những tòa nhà cao tầng và các con đường tấp nập phương tiện giao thông. Tuy nhiên, giữa những khối công trình thô cứng đủ loại ấy màu xanh trong tầm mắt quả là khác biệt. Singapore là hòn đảo nhỏ với mật độ dân số cực kỳ cao, tỉ lệ đô thị hóa gần 100%, cảnh quan luôn xanh tươi. Một người bạn làm tư vấn quản lý đô thị ở Singapore chia sẻ rằng, chính quyền và người dân còn xem mảng xanh giúp giảm tội phạm, giảm bệnh tật, gắn bó quan hệ cộng đồng.
Không chỉ nâng cao độ bao phủ mảng xanh tại các không gian trống, hành lang an toàn giao thông, hạ tầng cầu đường, Singapore còn tăng cường mật độ xanh tại những các công sở, nhà ở… Tiêu chí phát triển mảng xanh được lựa chọn hàng đầu trong quy hoạch đô thị, thiết kế công trình. Người dân được truyền cảm hứng nuôi dưỡng bảo vệ môi trường, trồng và chăm sóc mảng xanh từ trong những chính sách. Như trồng cây ở mọi nơi từ nhà trọ đến trường học, bênh viện… Trồng cây ở bất kỳ đâu có thể, khoảnh đất trống, góc sân trước nhà, mái hiên, ban công, sân thượng, thậm chí trên bức tường hoặc cầu thang trong căn hộ chung cư... Nước này có ngày trồng cây vào chủ nhật đầu tiên tháng 11 hàng năm, thời điểm bắt đầu mùa mưa.
Thế giới ngày nay có xu hướng phát triển mảng xanh, ngoài quy hoạch trồng cây còn tận dụng đặc thù từng khu vực, địa hình tự nhiên, cảnh quan hình thành các khu đô thị sinh thái thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch, hướng đến phát triển bền vững với các nguyên tắc xâm phạm ít nhất đến tự nhiên.
Hơn nữa, đa dạng hóa việc sử dụng đất, giữ cho hệ sinh thái được khép kín và tự cân bằng, giữ cho phát triển dân số và tiềm năng của môi trường tài nguyên thiên nhiên được cân đối tối ưu. Nhiều nước phát triển đã xây dựng thành công mô hình đô thị sinh thái như Curitiba (Brazil), Bắc Hải (Trung Quốc), Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Virginia (Mỹ)… Nhật Bản có những đô thị sinh thái nối tiếng như Kawasaki, Kitakyushu…
Ngoài phủ xanh cả nước, Singapore cũng đã sở hữu đô thị sinh thái Thiên Tân Sino. Mỗi đô thị sinh thái này không chỉ cải thiện môi trường mà còn hàng năm thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên.
TPHCM thiếu mảng xanh nghiêm trọng
Cây xanh có vai trò rất quan trọng cho các đô thị lớn, bảo vệ môi trường, cải thiện không gian cảnh quan kiến trúc, thanh lọc khí độc, giảm bớt nhiệt… Cây xanh còn giúp giữ nước, chống xói mòn đất… Dễ thấy nhiều nơi dọc sông lại chặt bỏ cây xanh làm bờ kè xi măng, nhưng sau đó xảy ra sạt lở. Cây xanh không thể tách rời với phát triển xã hội, nâng chất lượng cuộc sống người dân. Thế nhưng TPHCM lại thiếu nghiêm trọng diện tích cây xanh, chỉ đạt 1,6 m²/đầu người. Dân số đến nay hơn 10 triệu người, năng suất lao động gần 3 lần cả nước, đóng góp 25% tổng sản phẩm nội địa và 27% ngân sách cả nước… Tổng diện tích cây xanh so với yêu cầu chỉ đạt 8%, có 102.000 cây có số có địa chỉ.
Tại hội thảo quốc tế về quy hoạch và phát triển công viên, cây xanh, chiếu sáng các quận nội thành (năm 2019), nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhận xét: "Singapore diện tích hơn 1/3 TPHCM, dân số 5,5 triệu người, có đến 2 triệu cây xanh, còn chúng ta có 10 triệu dân mà chỉ 102.000 cây, hết sức thấp. Mặc dù có những khó khăn nhưng chúng ta thấy rằng, để TPHCM là nơi phát triển, là nơi sống tốt, không thể chấp nhận và tiếp tục chấp nhận trạng thái công viên cây xanh như vừa qua nữa”.
Nhiều nguyên nhân thiếu mảng xanh, nhất là khu vực nội thành. Không biết bao dự án bất động sản, chung cư, khu dân cư nhà ở hình thành thiếu vắng mảng xanh. Chưa kể những năm qua có không biết bao cây xanh bị chặt bỏ để làm dự án, công trình.
Quy hoạch mảng xanh, công viên chưa phù hợp hay nguồn gốc đất thuộc quyền sở hữu tư nhân phải bồi thường giải phóng mặt bằng nên trong nhiều năm vẫn chưa thể triển khai dự án. Phần lớn quy hoạch mảng xanh ở ngoại thành gắn với các khu đất nông nghiệp xen cài, hành lang sông rạch ẩm thấp chưa gắn với quy hoạch khu dân cư nên khó thực hiện, kêu gọi đầu tư. Ngân sách chủ yếu tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, chống ngập.
Bình Quới - Thanh Đa: Đô thị sinh thái, rực rỡ hoa
Nên chăng lồng ghép quy hoạch theo hướng thành phố xanh, trong đó có mô hình khu đô thị sinh thái. Tôi hình dung nếu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa rộng khoảng 427ha có lợi thế sông nước bao bọc, cảnh quan xanh đẹp trở thành đô thị sinh thái và du lịch, lúc ấy sẽ tăng cường đáng kể không gian thoáng đãng cùng với mảng xanh có sẵn, kết hợp trồng thêm nhiều loại cây và hoa làm đẹp thêm cho TPHCM. Bình Quới - Thanh Đa từ các nẻo đường, tuyến phố, khắp nơi đều có màu xanh cây cối và hoa cảnh, càng giúp con người thân thiện với nhau hơn.
Thuận lợi hơn nữa, chính quyền và cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dễ dàng điều chỉnh lại chức năng, ranh quy hoạch cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho người dân tự phát triển kinh tế theo mô hình đô thị sinh thái và du lịch. Những trường hợp phải di dời để bàn giao mặt bằng, nếu có nguyện vọng vẫn có thể bố trí tái định cư trong khu vực dự án, hoặc kết hợp tái định cư với chương trình cải tạo chung cư cũ tại 23 lô chung cư Thanh Đa đã xuống cấp trầm trọng.
Từ đó, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cùng với nghỉ dưỡng đầy đủ và đa dạng các tiện ích. Tăng không gian xanh với môi trường luôn xanh - sạch - đẹp, không vũ trường ồn ào, không quán nhậu nhẹt ngập tràn rượu bia... Cơ cấu đô thị phù hợp khả năng sử dụng đất, kiến trúc được thiết kế. Giao thông với thứ tự ưu tiên đi bộ, xe đạp, phương tiện công cộng bằng xe điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch rồi mới đến ôtô. Năng lượng sử dụng ưu tiên có thể tái tạo như gió, ánh sáng mặt trời… Đáp ứng tốt nhất chỗ ở, giáo dục, việc làm, sinh hoạt cho cộng đồng. Tất nhiên đi kèm theo đó là chính sách để triển khai thực hiện, công cụ quản lý hiệu quả. Đô thị sinh thái có sắc thái rất riêng là thế!
Khu Tây Bắc: Tăng mảng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu
Vùng đất Tây Bắc nếu được khai thác đúng mức không chỉ tăng mảng xanh đáng kể mà còn phát triển kinh tế, gia tăng ngân sách, góp phần giải quyết kẹt xe, ngập nước và kéo giãn dân số cho nội thành, hình thành khu đô thị thông minh cho TPHCM. Hơn nữa, với nền địa chất cao, khu vực này còn giúp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong khi TPHCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Không chỉ vậy còn kéo theo phát triển các vùng đất khác tại Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An.
Hai huyện Hóc Môn, Củ Chi có quy hoạch khu đô thị được duyệt với diện tích hơn 9.000ha với hy vọng trong tương lai sẽ là trung tâm thương mại, công nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao… Có thể điều chỉnh kêu gọi đầu tư trước các dự án dân cư được thiết kế bài bản như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chuyển đổi một phần diện tích đất xây dựng phục vụ xây dựng nhà ở xã hội, phát triển mảng xanh và công viên kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông để đánh thức vùng đất tiềm năng này. Ngoài ra, phát triển cảng phục vụ nông nghiệp, du lịch sinh thái đô thị, khu nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn.
Dành đất công trồng cây xanh
Hướng tới điều chỉnh diện tích mảng xanh trong quy hoạch có sự phân bố đều khắp trên toàn bộ diện tích đất của TPHCM, khi xây cất công trình hay nhà đầu tư làm dự án bất động sản phải đảm bảo mảng xanh.
Đất trống nội thành ưu tiên trồng cây, làm công viên hay vườn hoa trong khu dân cư. Rất thuận lợi phát triển mảng xanh với làm công trình công cộng sau khi trại giam Chí Hòa di dời để lại khu đất rộng hơn 7ha, nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Bình Tân) di dời để lại khoảng 44ha có thể dành phần lớn trồng cây làm công viên vừa rửa đất và thanh lọc không khí. Đất công, trụ sở, nhà xưởng, công trình dịch vụ công ích sau khi di dời hay sắp xếp lại nên được ưu tiên dành phát triển mảng xanh, trồng cây, làm công viên. Nhất là khu vực nội thành như bến xe miền Đông (Bình Thạnh) dời ra gần Suối Tiên còn lại đất trống, thay vì tổ chức đấu giá làm dự án, hãy tạo mảng xanh phục vụ cộng đồng. Dải đất rộng lớn hiện nay chạy dọc hai bên bờ sông Sài Gòn qua nhiều quận huyện khá lý tưởng để phát triển mảng xanh, phục vụ cộng đồng.
Xã hội hóa, thu hút đầu tư với những dự án phát triển mảng xanh. Như công viên bị “treo” đã lâu chưa thực hiện có thể điều chỉnh lồng ghép với các dịch vụ kinh doanh để khai thác thu hồi vốn. Mô hình làm công viên, mảng xanh có thêm trung tâm thể dục thể thao, khu tổ chức sự kiện, nhà ở với bất động sản với mức độ phù hợp.
Xây dựng tiêu chí phát triển cây xanh
Phát triển mảng xanh phù hợp dân số, tích hợp thành quy định chung gắn với các hoạt động lĩnh vực giao thông, xây dựng, đa dạng sinh học… Đưa yêu cầu phát triển mảng xanh vào tiêu chí dự án, trang trí, kiến trúc. Khi có một công trình mới thì ưu tiên thực hiện mảng xanh, không thu hẹp hay bỏ qua điều kiện mảng xanh và công viên đối với các dự án bất động sản, nhà ở, khu dân cư.
Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, công ty phải có giải pháp phát triển mảng xanh, trồng cây bảo vệ môi trường tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Xây nhà ở bắt buộc có mảng xanh lân cận hoặc trên sân thượng, mái hiên, bờ tường ngoài trời… Nếu mỗi công sở, nhà dân tùy điều kiện tạo một góc mảng xanh, trồng cây, dây leo, rau quả sẽ góp phần phủ kín sắc xanh cho TPHCM.
Chăm sóc cây, hoa kiểng, mảng xanh có thể giúp tâm lý con người trong không gian sống đó dễ trở về trạng thái thăng bằng, kiềm chế những cơn nóng giận, loại trừ khuynh hướng bạo lực. Trẻ em ngay trong gia đình được nuôi dưỡng ước mơ bảo vệ môi trường, nâng niu từng mầm sống. Sự nêu gương từ người lớn sẽ lan tỏa điều tích cực đến các thế hệ sau. Cứ vậy khắp nơi đều có hoa lá, tận dụng những khoảng trống để trồng các loài cây thích hợp, xem chăm sóc cây xanh như tiêu chí để đánh giá về tâm hồn và lối sống. Lúc đó, ngập tràn sắc xanh có cả thế hệ trồng cây với thương hiệu “Thành phố xanh”.
Đây là ý tưởng thực tế, nếu có chủ trương sẽ có người hưởng ứng, lâu dần sẽ có cộng đồng trồng cây, tạo mảng xanh.
TRẦN VĂN TRÃI
(Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Trung Đông Hưng, TP Thủ Đức)