Tại hội thảo góp ý về chương trình phát triển các trường sư phạm nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức mới đây, bà Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), cho biết chương trình phát triển các trường sư phạm sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm (2017-2021), với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (95 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và 5 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam).
Chương trình nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các trường phổ thông, dựa theo khung năng lực và chuẩn nghề nghiệp giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với đối tượng là giáo viên phổ thông, cả nước sẽ có khoảng 28.000 giáo viên cốt cán ở các cấp học được bồi dưỡng. Mỗi trường phổ thông chọn một giáo viên cốt cán. Các trường phổ thông ở vùng khó khăn có từ 2 điểm trường trở lên hoặc trường có nhiều cấp học được cử 2 giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng. Các phòng chức năng chuyên môn của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT được cử 1 - 2 cán bộ chỉ đạo chuyên môn tham gia bồi dưỡng cùng giáo viên cốt cán. Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ chịu trách nhiệm bồi dưỡng cho 7.489 giáo viên phổ thông cốt cán tại 19 tỉnh, TP khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh ĐBSCL. Thời gian bồi dưỡng trong vòng 3 năm, từ quý 1-2019 đến quý 4-2021. Với đối tượng là cán bộ quản lý, sẽ có 70.000 cán bộ quản lý ở các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên cả nước tham gia bồi dưỡng theo 2 hình thức là bồi dưỡng tập trung và bồi dưỡng trực tuyến qua mạng.
Góp ý về chương trình bồi dưỡng, ông Trương Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng công tác bồi dưỡng nên đi theo trình tự cán bộ quản lý cấp cao nhất là hiệu trưởng rồi mới đến giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà. Trong đó, chương trình bồi dưỡng cần quan tâm đặc điểm vùng miền, phân hóa theo chiến lược phát triển giáo dục của từng địa phương, chú ý bồi dưỡng về nhân cách, đạo đức sư phạm cho đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Phước, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 3, kiến nghị việc bồi dưỡng phải đi kèm kiểm tra, đánh giá, để tạo động cơ học tập cho giáo viên, tránh bồi dưỡng theo kiểu hình thức. Mặt khác, vì giáo viên phải vừa thực hiện cùng lúc nhiệm vụ giảng dạy trên lớp và học tập nâng cao trình độ nên phân bổ thời gian cần được tính toán sao cho hợp lý, không gây quá tải hay tạo thêm áp lực cho các thầy cô giáo.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng ban soạn thảo nên kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng tập trung và bồi dưỡng trực tuyến để tăng kỹ năng thực hành cho giáo viên, không nên tuyệt đối hóa vai trò của bồi dưỡng trực tuyến trong tình hình số lượng đối tượng cần bồi dưỡng khá lớn. Trong đó, một số kỹ năng như dạy học theo phương pháp giáo dục STEM, dạy học tích hợp cần được quan tâm chú trọng để đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông mới.