
GS Võ Văn Nhơn là người dành tâm huyết và có nhiều thành tựu về nghiên cứu văn chương phương Nam.
Góp lời cho văn chương phương Nam đánh dấu thêm cột mốc quan trọng trong nghiên cứu văn chương phương Nam mà ông tham gia với vai trò chủ biên.

Chia sẻ tại chương trình, GS Võ Văn Nhơn cho biết, đương thời, nhà thơ Chế Lan Viên trong tập Đối thoại mới có viết: “Đời tuổi bốn, năm mươi/ Mong gì hương sắc lạ”. Ông thì đã 70, trên cái tuổi mà nhà thơ Chế Lan Viên nói đến nên cũng không mong gì.
Nhưng sau khi về hưu, ông ngồi đọc lại những bài viết của mình từ trước, thấy có khá nhiều bài viết chung với đồng nghiệp, nghiên cứu sinh và sinh viên liên quan văn chương phương Nam, nên muốn tập hợp lại thành sách, làm kỷ niệm.

“Văn chương phương Nam còn nhiều điều mà chúng tôi chưa tìm hết được. Chẳng hạn, có những tác giả mà chúng tôi chưa biết tiểu sử, chưa đọc hết được tác phẩm của họ. Điển hình là trường hợp nhà văn Phan Thị Bạch Vân, người phụ nữ đấu tranh rất sôi nổi cho vấn đề nữ quyền trong thế kỷ XX. Hay nhà viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Nam bộ đầu thế kỷ XX Tân Dân Tử, chúng tôi cũng chỉ biết ông quê ở Thủ Đức, chứ chưa biết cụ thể”, GS Võ Văn Nhơn chia sẻ.

Nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá cao những vấn đề mới ở ấn phẩm Góp lời cho văn chương phương Nam, nhất là việc GS Võ Văn Nhơn và tác giả Đinh Phạm Phương Thảo đã cất công tìm kiếm và phân tích Tuồng Thương khó của Nguyễn Bá Tòng, xuất bản vào năm 1912. Đây được xem là kịch bản sân khấu hiện đại đầu tiên của người Việt.

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, văn chương phương Nam còn rất nhiều vấn đề cần tìm hiểu và nghiên cứu.
“Việc nghiên cứu văn chương phương Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Hy vọng các bạn sinh viên và các nhà nghiên cứu sau sẽ tiếp tục hành trình này. Chúng ta chưa thể dừng lại đây, và tôi mong những công trình sau sẽ có tầm vóc lớn hơn”, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ.
Đồng tình, GS-TS Huỳnh Như Phương cũng gợi ý các cơ quan hoặc đơn vị xuất bản in thành vệt kèm lời giới thiệu các sáng tác của các nhà văn Nam bộ như Lê Hoàng Mưu, Trần Chánh Chiếu… để thế hệ sau có cơ hội được tiếp cận văn chương phương Nam một thời một cách đầy đủ nhất.