Vùng đất khó
Tiểu khu 179 là một bản làng nhỏ, nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, bao quanh là núi rừng và dòng sông Sêrêpôk, có hơn 100 hộ dân với gần 700 nhân khẩu; tất cả là đồng bào dân tộc thiểu số H’Mông, từ các tỉnh miền Bắc di cư vào khai hoang, sinh sống. Nơi đây còn rất thiếu thốn, là bản làng 3 không (không điện, không sóng điện thoại, không trạm y tế). Bà con chỉ làm nương rẫy nên còn vất vả; sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Tiểu khu 179 mới chỉ có một trường tiểu học với một phòng học duy nhất, được dựng tạm bợ bằng những mảnh ván cũ đã mục nát; chưa có trường mẫu giáo.
Ông Ma Seo Cháng, trưởng bản, ở tiểu khu 179, cho biết: “Vào mùa mưa, nước sông Sêrêpốk dâng cao, chảy xiết, khiến cả làng bị tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài, phải đợi khi nước rút cạn dần mới có thể trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường. Những năm qua, các hộ dân trong bản gom góp mỗi nhà một ít, mua xi măng và sắt thép xây một chiếc cầu tạm để tiện đi lại, nhưng cứ đến mùa mưa chiếc cầu bị nước nhấn chìm, cuốn trôi. Trẻ em ở đây phần lớn phải đi làm nương rẫy, phụ giúp gia đình kiếm sống ngay từ khi còn rất nhỏ, do vậy nhiều trẻ phải bỏ học giữa chừng”.
Anh Hoàng Phương (một thành viên của nhóm) tâm sự: “Trong một chuyến đi khảo sát thực tế để làm chương trình thiện nguyện, chúng tôi rất xót xa khi trực tiếp chứng kiến cảnh trẻ không may bị đuối nước lúc đang tắm sông. Đi một vòng xung quanh bản, thấy thương lắm những đứa trẻ dáng vóc nhỏ bé, mặt lấm lem, đang ngồi bên cửa, ăn cơm nguội trộn với mì gói; một số em khác thì đang vất vả phụ giúp gia đình làm nương rẫy, gánh trên vai những bó củi to. Thấy vậy, chúng tôi tâm nguyện gắng sức làm được một việc thiết thực giúp đỡ các trẻ em ở vùng đất khó này”.
Ngôi trường tình thương
Nhóm đã phân chia các thành viên đến từng nhà người dân tìm hiểu đời sống và nguyện vọng, qua đó thấu hiểu trước người dân nghèo vùng cao rất mong muốn có trường mầm non cho con trẻ. Thế là nhóm trình bản vẽ xây trường mầm non, xin giấy phép của UBND xã Liêng Srônh và Phòng GD-ĐT huyện Đam Rông và nhận được sự đồng tình cao và hứa sau khi công trình xây xong sẽ cắt cử giáo viên đến dạy học cho các em nhỏ tại tiểu khu 179.
Với sự góp sức của chính quyền địa phương và người dân trong bản, đầu năm 2020, nhóm đã tiến hành xây dựng trường mầm non với một phòng học, sân trường được láng xi măng sạch đẹp; khoan giếng lấy nước sạch cho các em nhỏ sử dụng. Công trình sẽ hoàn thành vào đầu tháng 4 này. Ngoài ra, nhóm còn sắm thêm kệ đựng sách, các vật dụng học tập, đồ chơi như xích du, bập bênh... để các em có chỗ vui chơi, giải trí. Tổng kinh phí chương trình hơn 170 triệu đồng; đây là số tiền mà các thành viên trong nhóm đã tự đóng góp và vận động bạn bè, người hảo tâm cùng chung tay.
Anh Lê Quang Hải (41 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp), Trưởng nhóm “Du lịch bụi”, cho biết: “Chúng tôi gắng sức xây trường mầm non nhằm tạo điều kiện cho các em nhỏ tại tiểu khu 179 có một nơi học tập ổn định, giảm thiểu tỷ lệ thất học. Khi bắt tay vào làm chương trình, nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khổ nhất là con đường vào bản rất lầy lội khó đi, không có sóng điện thoại, cũng không có điện, nên mỗi lần thiếu vật liệu hay muốn hàn cửa, cắt tôn lợp mái, buộc phải di chuyển một quãng đường dài ra trung tâm xã. Dù khó khăn là vậy, nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, chúng tôi đã hoàn thành công trình sớm để tặng các em nhỏ”.
Nhóm “Du lịch bụi” có gần 1.000 thành viên, phần lớn là các bạn trẻ đang sinh sống và làm việc ở TPHCM. Trong quá trình đi du lịch, khám phá cảnh quan, thiên nhiên đất nước, nhóm cũng thường xuyên kết hợp trao tặng quà, tìm hiểu cuộc sống người dân những nơi mà nhóm đặt chân tới, để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào nghèo.