Có được chỗ an cư là mơ ước của không ít công nhân lao động. Từ nhiều năm nay các cấp công đoàn tại TPHCM đã chung sức xây dựng những mái ấm công đoàn, hỗ trợ chi phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công đoàn viên. Tháng Công nhân năm nay, các cấp công đoàn tại TPHCM tiếp tục đẩy mạnh hình thức chăm lo này.
Ước mơ thành hiện thực
Trong căn nhà mới vừa được xây sửa lại, gia đình anh Lương Tài, bảo vệ Trường THCS Phan Sào Nam (quận 3,TPHCM), đang vừa ăn tối vừa trò chuyện rôm rả. Bữa cơm đạm bạc ngày hôm ấy đầy ắp niềm vui, bởi từ nay gia đình anh đã có một căn nhà kiên cố.
Trước đây, khi trời đổ mưa là gia đình anh Tài lại nơm nớp lo lắng, bởi mái nhà lợp tôn cũ đã mục nát, các đòn tay thì bị gãy gần hết, nước mưa cứ thế mà tuôn vào nhà. “Hàng đêm, tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ mãi, không biết làm cách nào để có tiền sửa lại mái nhà. Nếu như vay mượn bên ngoài thì làm sao trả được, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, nghĩ vậy nên tôi cứ ráng cầm cự cho qua ngày”, anh Lương Tài chia sẻ. Song, nỗi lo lắng đó của anh đã được tổ chức công đoàn quận 3 chia sẻ khi trao tặng gia đình anh kinh phí 40 triệu đồng để sửa lại căn nhà 28m2 . Vào sống trong ngôi nhà mới sửa sang, anh Lương Tài xúc động cho biết giờ đây gia đình anh đã có thể ngủ yên.
Niềm vui có căn nhà mới cũng đã đến với gia đình anh Nguyễn Trí Minh, công tác tại Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 (TPHCM), trong Tháng Công nhân năm nay. Cầm trên tay quyết định bàn giao mái ấm công đoàn từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 1, anh Trí Minh bật khóc: “Giờ thì tôi chắc chắn điều ước nguyện bấy lâu của mình đã thành hiện thực. Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời đối với gia đình tôi”.
Căn nhà mà 12 thành viên gia đình anh Trí Minh đang ở là của cha mẹ để lại. Vì được xây dựng từ rất lâu nên một phần căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mưa dột, nước ngập, cột kèo mục nát và có thể đổ sụp bất kỳ lúc nào. Các thành viên trong nhà chỉ là lao động tay chân, nên làm ngày nào chỉ đủ chi tiêu ngày ấy. Bản thân hai vợ chồng anh cũng đã gần đến tuổi nghỉ hưu, nên chuyện sửa chữa lại căn nhà cho tươm tất là điều anh không dám nghĩ tới. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ chương trình mái ấm công đoàn, giờ đây ngôi nhà của đại gia đình anh đã cao ráo, sạch sẽ và mọi người không còn nơm nớp lo sợ căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Sẽ trở thành hoạt động thường xuyên
Theo bà Hồ Như Cát Tường, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 1, trong Tháng Công nhân lần thứ 9 năm nay, thông qua sự vận động của tổ chức công đoàn, đã có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ với số tiền hơn 350 triệu đồng để xây dựng 9 mái ấm công đoàn dành cho người lao động có khó khăn về nhà ở.
Hiện cả nước có hơn 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại 344 khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó, hơn 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở, tuy nhiên, chỉ 5% - 10% nhu cầu thiết thực này được đáp ứng.
Buổi gặp gỡ công nhân sản xuất trực tiếp thuộc khu vực miền Trung của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 22-4 vừa qua đã khiến không ít người xúc động. Đó là khi Thủ tướng nghe câu chuyện của chị Phan Thị Tuyết Sương (công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster tại Quảng Nam) một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ lại chưa có nơi ở ổn định, Thủ tướng đã quyết định tặng chị một mái ấm từ quỹ công đoàn. Nhận được món quà lớn bất ngờ mà bấy lâu mình không dám mơ tới, chị Sương đã bật khóc ngay tại khán phòng. Qua đó, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp công đoàn cần đẩy mạnh xây dựng thiết chế để đảm bảo quyền lợi, phúc lợi tốt nhất cho người lao động, mà nhất là xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người lao động để giúp họ an cư.
TPHCM là địa phương có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho người lao động. Trong 5 năm qua, TP đã trao tặng 273 mái ấm cho công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, tổng số tiền vận động thực hiện lên tới hơn 12 tỷ đồng. Năm 2016, các cấp công đoàn TP đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới và trao tặng 136 căn với tổng số tiền số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho biết Tháng Công nhân là đợt cao điểm đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Tuy nhiên, công tác này sẽ được các cấp công đoàn thực hiện xuyên suốt trong năm để giúp người lao động có nơi ở ổn định, an tâm làm việc.