Để góp phần cung ứng thuốc cho hàng chục cơ sở hốt thuốc nam từ thiện trong và ngoài địa phương, những thành viên của tổ đã ngụp lặn hàng giờ giữa đồng nước mênh mông để thu gặt thuốc. Họ là những nông dân hiền lành, chất phác, sống thanh bần đạm bạc nhưng luôn sẵn sàng góp sức chung lòng làm việc thiện.
10 năm miệt mài trồng thuốc
Hơn 10 năm miệt mài trồng thuốc và lặn lội săn tìm, những lão nông tiên phong giờ đã ngừng nghỉ khi sức khỏe không cho phép. Hàng ngàn tấn thuốc nam đã góp phần đáp ứng yêu cầu chữa bệnh cho hàng triệu bệnh nhân sống trong khu vực. Lớp con cháu tâm huyết đã cùng động viên và chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống để tiếp tục chu toàn việc nghĩa. Tổ tầm dược xã Vĩnh Thới quy tụ hơn 100 thành viên trong và ngoài địa phương. Do sinh kế gia đình nên mỗi đợt tầm thuốc chỉ có gần 40 người. Đáp ứng nhu cầu của các cơ sở chữa bệnh từ thiện, tổ lên kế hoạch vận động thành viên làm cỏ, dọn đất, trồng thuốc, tưới tiêu vun bón, thu hoạch, phơi khô, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Trong số hơn 30 công đất được cho mượn trồng thuốc có 15 công đất ruộng của anh Nguyễn Văn Hà (56 tuổi, nông dân ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc). Mùa lũ 2018 sắp hết, cũng là mùa thu hoạch thuốc, anh em phải trầm mình trong biển nước. Chủ đất cũng nhiệt tình lặn lội cùng anh em giẫy bứng củ bồ bồ bằng những chiếc xạn cán dài tự chế, chất lên bè chuối đẩy vào bờ cho các chị rửa mang về chặt phơi.
Chị Hà Diệu Kim, Tổ trưởng tổ tầm dược, cho biết: “Theo sự chi viện thuốc từ các nơi, hàng tháng anh em hầu như đi suốt. Những chuyến đi xa tận Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước đến Cần Thơ, miệt thứ Kiên Giang, Phú Quốc… Tổ không có nguồn kinh phí hoạt động nên mỗi đợt tầm thuốc, các thành viên phải hùn chi phí vận chuyển, gạo, thức ăn, nơi tạm trú, có đợt từ 5 bữa đến hơn 10 ngày. Lắm khi kinh phí tự lực không đủ, tổ trưởng phải đi vay mượn thêm bên ngoài”.
Chị Nguyễn Thị Chính (ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung) chia sẻ: “Sắp xếp công việc gia đình, tôi tham gia cùng chị em, có khi dầm mưa cả ngày làm cỏ, phơi thuốc. Thấy chúng tôi vất vả, cô bác ở nơi cho thuốc cứ trông cho mau hết thuốc để mình rảnh tay, nhưng tôi không nệ công chỉ mong có nhiều thuốc để giúp được nhiều người vượt qua bệnh tật”.
Cần sự tiếp sức của cộng đồng
Anh Hồ Ngọc Mi (ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành) cầm ổ bánh mì vợ gói theo cho, tâm sự: “Mọi khi hai vợ chồng cùng đi. Hôm nào nhà có việc, bả hối tôi đi sớm để kịp phụ anh em. Càng nhiều cực nhọc công quả càng cao”. Chị Phạm Thị Giang (bán gạo ở chợ Cái Quýt, xã Vĩnh Thới) xen vào: “Một tháng em chỉ ở nhà vài ngày, nhờ các mối quen họ mua trước rồi lại chờ mình về tiếp tục mua. Mình sống đơn giản không đua đòi bon chen nên gói ghém cũng đủ. Ở đây, nhiều chị em phải lo sinh kế gia đình nhưng rất nhiệt tình, như chị Tèo chồng bị tai nạn giao thông mất năm 2016, hàng ngày chị đi làm cỏ, hái ớt, lượm khoai mướn nuôi 2 con nhỏ ăn học mà cũng tranh thủ đi tầm thuốc”.
Gian nan, vất vả là công việc tự nguyện của những người “tha phương cầu… phước”. Điều trăn trở cũng là nỗi lo chung của các thành viên là kinh phí hoạt động eo hẹp, bởi hầu hết cô bác anh em là nông dân nghèo, cơm gạo còn phải chạy vạy từng bữa nên không có khả năng đóng góp lộ phí mỗi đợt tầm thuốc. Cũng theo chị Diệu Kim, đất trồng thuốc của tổ được cho mượn rất nhiều. Nhu cầu nam dược từ các cơ sở thuốc đông y từ thiện vẫn còn trông chờ tổ, mà kinh phí đầu tư cho mỗi công thuốc với các công đoạn làm cỏ, lên liếp, phân thuốc, vận chuyển… là con số không nhỏ nên “lực bất tòng tâm”.
Những chén thuốc nam ấm nóng tình người giờ đây không chỉ có mồ hôi, công sức của những nông dân giàu lòng nhân ái. Rất cần sự đồng hành, tiếp sức của những tấm lòng để người bệnh các nơi có cơ may được chữa trị lành bệnh.