Ông nguyên là giảng viên Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tại Hà Nội, sau đó ông chuyển về làm Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Là một nhà nghiên cứu, lại có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các kho tư liệu gốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thành đã thực hiện nhiều công trình có ý nghĩa. Ông là tác giả của 20 cuốn sách, đồng tác giả của 40 tác phẩm nghiên cứu khác. Ông cũng đã công bố khoảng 250 bài viết trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước…
Điểm đặc biệt ở các nghiên cứu của Nguyễn Thành là việc ông cung cấp đến cho bạn đọc những thông tin chính xác, có tài liệu dẫn chứng cụ thể và kèm theo đó là các chi tiết phát hiện mới đầy thú vị.
Đó cũng là điểm đặc sắc trong tác phẩm Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Công trình này là một trong những đề tài tâm đắc nhất của ông, được ông đầu tư rất nhiều công sức để thực hiện.
Tác phẩm gồm 38 bài viết, thể hiện ngắn gọn, khúc chiết nhưng chứa đựng lượng thông tin rất lớn. Có thể chia các bài viết làm hai phần.
Phần đầu là các bài phân tích về những luận điểm, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh xung quanh chủ nghĩa dân tộc, về tư tưởng đại đoàn kết, đường lối cứu nước, những chi tiết về các tác phẩm của Bác như: các bài báo, thư chính thức, bài phỏng vấn, các mối quan hệ giữa Bác với kiều bào, với nhà báo trong và ngoài nước, với đồng bào miền Nam…
Phần thứ hai là các bài phân tích, trình bày đính chính các luận điểm sai lệch về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số có thể là do hiểu nhầm nhưng cũng có không ít theo tác giả Nguyễn Thành là sự cố ý nhằm mục đích xấu.
Trong tác phẩm của mình, tác giả Nguyễn Thành đã chứng minh những sai lệch đó bằng các dẫn chứng dựa trên tài liệu một cách rất cụ thể. Như trường hợp có một số thông tin cho rằng bút danh Nguyễn Ố Pháp chính là của Nguyễn Ái Quốc.
Tác giả Nguyễn Thành phân tích về mặt nội dung, quan điểm trong các bài viết của Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Ố Pháp hoàn toàn khác nhau. Về mặt tài liệu, trên báo Le Paria số ra tháng 10 và 11 - 1915 có tin của Nguyễn Ố Pháp viết về việc tham dự và đóng góp nhiều ý kiến tại đại hội quốc tế của người lao động trong ngành giáo dục họp ở Paris (sau chuyển qua Bruxelles) vào tháng 8-1925. Thế nhưng vào thời gian đó, từ tháng 12-1924 đến tháng 11-1925, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động bí mật ở Quảng Châu nên không thể tham dự, góp ý hay đưa tin về sự kiện này và dĩ nhiên cũng không thể viết các tin, bài đó được.
Điều đáng tiếc là tác giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thành đã không thể chứng kiến công trình nghiên cứu tâm huyết của mình đến với bạn đọc. Ông qua đời vào ngày 3-1-2007, trước đó ông đã tin tưởng giao toàn bộ bản thảo, bài viết của mình cho người bạn vong niên là TS Phan Văn Hoàng để sử dụng. Sau hơn 10 năm, tác phẩm Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tổng hợp từ các bài viết, nghiên cứu của ông đã đến được với bạn đọc, trở thành một nguồn tư liệu quan trọng trong việc tham khảo và tra cứu nhiều thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh