Mô hình “vườn - rừng”
Dự án “Vườn Rừng” được JOY (Journey Of Youth - một tổ chức tình nguyện với mục tiêu cải thiện đời sống, kết nối và phát triển cộng đồng thông qua các dự án bền vững trong các lĩnh vực: nước sạch, y tế và môi trường) phối hợp cùng nhóm “Trồng 1 triệu cây rừng 1 năm” và Vườn quốc gia Bù Gia Mập triển khai trồng cây rừng trên đất vườn của nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu là góp phần ngăn ngừa ô nhiễm, giảm thiểu thiên tai, giữ nước và giữ đất. Dự án đồng thời phối hợp cùng các chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, giúp nông dân có thu nhập ổn định và gắn bó lâu dài với mô hình “vườn - rừng”.
Không đơn thuần là một chuyến đi thực tế để trồng rừng, trước khi bắt tay vào việc, các bạn trẻ tham gia dự án còn tìm hiểu về khí hậu, thổ nhưỡng để trồng loại cây thích hợp. Họ sống cùng nông dân để hiểu các công đoạn từ ươm cây con đến trồng cây xuống đất vườn, đồi… Lần đầu tiên tham gia dự án trồng rừng, được trải nghiệm các công việc để trồng một cây xanh, Trúc Nguyên (19 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Đây là lần tiên em hiểu như thế nào là cách ươm cây, trồng cây. Vì chưa quen nên khi làm khá mệt và vất vả, nhưng em và mọi người ai cũng nghiêm túc, chứ không phải trồng để thống kê số lượng cho xong”.
Bên cạnh việc trồng cây, các tình nguyện viên tham quan thêm mô hình “vườn - rừng” và nghe những chia sẻ từ ông Trần Quang Đông, chuyên gia nông nghiệp với 20 năm kinh nghiệm tại trang trại măng cụt Gia Ân, tỉnh Đắk Nông (trang trại đạt chứng chỉ Global GAP). Thời điểm trồng rừng được nhóm lựa chọn là vào mùa mưa trong năm để giảm bớt việc tưới và công chăm sóc. Việc di chuyển và công việc khá vất vả, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đầy nhiệt huyết. Đặng Khải An (21 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ: “Tôi có biết nhiều dự án xanh và trồng rừng nhưng còn phân vân chưa tham gia, vì các dự án này chỉ thực hiện qua một đợt và chưa có kế hoạch lâu dài, cũng như chưa có quá trình theo dõi cây con. Lần này, tôi quyết định tham gia vì không chỉ góp phần trồng thêm cây rừng mà bản thân còn học hỏi được cách làm vườn, trồng cây rất thú vị”.
Đồng hành với nông dân
“Trồng 1 triệu cây rừng 1 năm” được thành lập khoảng 1 năm nay. 15.000 cây rừng đã được trồng ở tỉnh Đắc Nông trong năm 2020 và thành quả hiện tại là: “Cây bây giờ phải cao hơn 2m rồi, phát triển ổn định, cũng có tỷ lệ cây chết nhưng khoảng 1% thôi, tôi mới vừa ở trên đó về nè”. Chia sẻ của anh Hồ Thắng (ngụ quận Bình Tân, TPHCM), người lên ý tưởng và lập nhóm, nói lên kết quả mà “Trồng 1 triệu cây rừng 1 năm” đạt được. Anh Thắng kể tiếp: “Năm 2021, nhóm sẽ trồng cỏ Vetiver ở các đồi núi trọc, với bộ rễ ăn sâu và dày vào lòng đất. Ngoài giữ đất, loài cỏ này còn có thể phân tán nước mưa đi sâu vào mạch ngầm và cung cấp độ ẩm cho cây trồng. Mọi thứ đều có thể làm với chi phí thấp nhất và trong tầm tay”.
Để có thể thực hiện và phát triển dự án trồng rừng một cách bền vững, mô hình “vườn - rừng” được nhóm “Trồng 1 triệu cây rừng 1 năm” xây dựng ngay từ ban đầu. Bởi không ai hiểu và trồng rừng tốt hơn những nông dân tại địa phương. Rừng gắn với vườn cây và mang lại hiệu quả kinh tế, thì tự khắc người nông dân sẽ duy trì và nhân rộng. Bắt đầu ươm và trồng những cây rừng đầu tiên ở các tỉnh Tây Nguyên, được sự hỗ trợ từ trang trại Gia Ân, nhóm đã tiến hành việc ươm cây giống, xây hệ thống nước tưới…
Các loại cây được chọn là các giống cây họ đậu như Gõ đỏ, Giáng hương, Đười ươi... trồng xen kẽ trong vườn của nông dân, các loại cây cách nhau 3m với phân tán tầng cao thấp giúp nhau chắn gió và phủ bề mặt đất. “Không phải cứ cây con đem găm xuống đất thì thành rừng, được sự hỗ trợ từ Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nhóm tìm hiểu kỹ chọn cây thích hợp từng vùng đất để trồng, như vậy cây con mới sinh trưởng và phát triển thành rừng được”, anh Thắng cho biết thêm.
Vận động bạn bè rồi kêu gọi trên mạng xã hội hỗ trợ, nhưng nguồn kinh phí chính để nhóm duy trì các hoạt động chính là việc giúp các bạn trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp, bán nông sản sạch và trích lợi nhuận ra để mua cây giống. Khi hỏi về việc gác lại toàn bộ công việc của một nhân viên lập trình để tập trung cho việc trồng rừng, các dự án du lịch cộng đồng, anh Thắng cười: “Tôi chỉ hy vọng có thể góp chút sức nhỏ của mình vun đắp từng cây xanh cho mảnh đất Tây Nguyên, trả lại mảng xanh mất đi do nạn phá rừng làm rẫy”.
Ngoài việc thực hiện dự án “Trồng 1 triệu cây rừng 1 năm”, anh Hồ Thắng còn phụ trách hoạt động “Hero House” ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập để cứu hộ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, nơi này còn tổ chức những lớp học dạy tiếng Anh, tin học cho trẻ em người S’tiêng. |