Google tôn vinh nghệ thuật cải lương

Nhân lễ Giỗ tổ ngành sân khấu năm 2020, ngày 28-9, Google đã đổi biểu tượng trang chủ Google tiếng Việt nhằm tôn vinh cải lương, loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi dự án quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật, danh nhân, thiên nhiên... đặc sắc của Việt Nam bằng Google Doodle.
Google đã đổi biểu tượng trang chủ Google tiếng Việt nhằm tôn vinh cải lương

Bên cạnh việc khai thác hình tượng người nghệ sĩ trên sân khấu để làm biểu tượng, Google Doodle còn chú trọng thể hiện những hình ảnh về dàn nhạc công với những nhạc khí đặc trưng trong cải lương. Qua đó, giới thiệu đến công chúng các nhạc cụ dân tộc truyền thống như đàn bầu, đàn cò, đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, ghi-ta phím lõm… là những nhạc cụ tiêu biểu trong ban nhạc cổ, qua bàn tay các thầy đờn giỏi nghề đã góp phần làm nên hồn và chất, tính đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn này. Việc thể hiện hình ảnh dàn nhạc cổ của sân khấu cải lương trên trang Google tìm kiếm cũng là một cách tôn vinh những nhạc công thầm lặng, bằng tài năng và niềm đam mê âm nhạc dân tộc, góp phần truyền lửa nghệ thuật đến đông đảo khán giả mộ điệu, giúp cải lương đi vào lòng công chúng.

Bên cạnh sự thay đổi biểu tượng trang chủ, Google cũng hợp tác với Đài Truyền hình TPHCM đưa lên nền tảng YouTube bản độc quyền trọn vẹn của vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh, giới thiệu vở diễn đến khán giả trong nước và kiều bào trên khắp thế giới thông qua trang web Google Doodle. Khi truy cập trang giới thiệu về cải lương, khán giả có thể thưởng thức trực tiếp vở diễn này. Vở Tiếng trống Mê Linh của đoàn Thanh Minh được công diễn lần đầu tiên năm 1977, thu hút được sự quan tâm rất lớn của công chúng lúc bấy giờ. Năm 1978, cùng với Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh được Đài Truyền hình TPHCM chọn ghi hình và phát sóng. Đạo diễn thực hiện ghi hình là NSƯT Nguyễn Văn Để (Diên An), vở có sự tham gia diễn xuất của dàn nghệ sĩ cải lương tài năng: Thanh Nga, Thanh Sang, Văn Ngà, Bảo Quốc, Hùng Minh…

Bên cạnh đó, Đài Truyền hình TPHCM cũng vừa hợp tác đăng tải hai vở cải lương kinh điển Bên cầu dệt lụa và Tô Ánh Nguyệt trên YouTube. Đơn vị Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đăng tải hai trích đoạn cải lương Chiến binh và Hiu hiu gió bấc trên kênh YouTube vừa thành lập của nhà hát. Các video thuộc chiến dịch quảng bá cải lương từ Đài Truyền hình TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và các nhà sáng tạo tham gia chương trình sẽ được tổng hợp trong danh sách Tôn vinh cải lương trên kênh YouTube Google Việt Nam. Việc số hóa và đưa những vở cải lương kinh điển lên YouTube cũng để nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận, giúp khán giả dễ dàng thưởng thức các vở diễn hay của sân khấu cải lương Sài Gòn - TPHCM, từ trong quá khứ đến hiện tại, đồng thời giúp bảo tồn những thước phim có giá trị văn hóa lịch sử trên nền tảng số.

Đạo diễn - NSƯT Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chia sẻ: “Để giữ lại thời hoàng kim của sân khấu cải lương vào những năm 1970-1980 là thách thức đối với những người đang làm nghề. Với công nghệ 4.0 hôm nay, các kênh Google, YouTube đã đưa những hình ảnh, các vở diễn, chương trình đến với khán giả một cách dễ dàng hơn, giúp quảng bá nghệ thuật truyền thống hiệu quả”. Dự án tôn vinh nghệ thuật cải lương đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương, trong đó có NSND Bạch Tuyết, NSƯT Quế Trân, cùng một số ca sĩ, diễn viên trẻ của sân khấu kịch nói TPHCM.

Google Doodle là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com (hay Google tiếng Việt - Google.com.vn) nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu, nhân vật, có đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở Việt Nam và thế giới. Trên trang chủ Google tiếng Việt (Google.com.vn) từ năm 2003 đến nay đã có nhiều biểu tượng đặc biệt, là cách Google tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, kỷ niệm những ngày lễ truyền thống của người Việt như: Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán; tôn vinh các nhân vật như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái… 

Tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đã trao giải thưởng của Hội Sân khấu Việt Nam cho các tác giả và đơn vị nghệ thuật TPHCM. Đây là giải thưởng ghi nhận những sáng tạo xuất sắc của giới sân khấu phía Nam sau một năm hoạt động.

Năm nay, không có giải A. Sân khấu TPHCM có 2 kịch bản xuất sắc đoạt giải B là tác phẩm Vương quyền của tác giả Bích Ngân và Ngày ấy cổng trời của tác giả Nguyễn Kháng Chiến; giải B cũng được trao cho vở kịch nói Diều ơi (tác giả: Nguyễn Quốc, đạo diễn: Nguyễn Quốc - Vũ Trần) của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B.

BẢO LÂM

Tin cùng chuyên mục