Sáng kiến này là lần hợp tác đầu tiên giữa Cục An toàn thông tin (AIS) - Bộ TT-TT cùng Google. Qua đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để xác minh tính hợp pháp của các ứng dụng Chính phủ, đảm bảo rằng các ứng dụng này thực sự đại diện cho các cơ quan nhà nước và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho công dân Việt Nam bao gồm các dịch vụ công và định danh.
Như vậy, với người dùng di động, khi mở trình duyệt Google Play, người dùng sẽ thấy nhãn “Xác thực ứng dụng Chính phủ” trên các ứng dụng hợp pháp, giúp họ an tâm về mức độ uy tín của ứng dụng này. Sáng kiến này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nhu cầu về dịch vụ công tại Việt Nam ngày càng tăng và số lượng ứng dụng Chính phủ trên nền tảng đang phát triển nhanh chóng.
Ông Trần Quang Hưng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin, chia sẻ: “Tính năng Xác thực ứng dụng Chính phủ mới trên Google Play là một bổ sung cần thiết, giúp người Việt dễ dàng nhận diện và tải xuống các ứng dụng Chính phủ hợp pháp. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo người dân dễ dàng truy cập vào nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy của Chính phủ. Chúng tôi đánh giá cao cam kết của Google trong việc triển khai chương trình này”.
Google cùng AIS đã gắn nhãn “Xác thực ứng dụng Chính phủ” cho tổng cộng hơn 80 ứng dụng Chính phủ tại Việt Nam, bao gồm VNeID, VssID, i-SPEED của VNNIC, Hóa đơn điện tử TCT, Dịch vụ công - Bộ Y tế…
Wilson White, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ và chính sách công Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Tại Google Play, chúng tôi luôn nỗ lực mang đến cho người dùng trải nghiệm mượt mà, an toàn và đáng tin cậy. Chúng tôi liên tục bổ sung các tính năng mới để hỗ trợ người dùng tìm kiếm ứng dụng mà họ cần, gần đây nhất chính là tính năng “Xác thực ứng dụng Chính phủ”. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều ứng dụng công cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người đều có thể dễ dàng tìm thấy các ứng dụng cần thiết”.
Còn tính năng bảo vệ, chống lừa đảo Play Protect sẽ phân tích và tự động chặn cài đặt các ứng dụng yêu cầu quyền truy cập nhạy cảm, thường bị lợi dụng cho mục đích lừa đảo tài chính. Điều này có thể xảy ra khi người dùng cài đặt ứng dụng từ nguồn tải xuống bên ngoài Internet (trình duyệt web, ứng dụng nhắn tin hoặc trình quản lý tệp).
Như vậy, khi người dùng tại Việt Nam thực hiện cài đặt ứng dụng từ nguồn tải xuống bên ngoài Internet và bất kỳ quyền nào trong bốn quyền trên được khai báo, Play Protect sẽ tự động chặn việc cài đặt và sẽ cung cấp thông tin giải thích cho người dùng.