Nhiều hộ dân không còn nơi để tá túc đã phải dựng những chiếc lều tạm để kịp đón Tết Nguyên đán sắp tới. Thế nhưng, những con sóng lớn vẫn chưa buông tha...
Những ngày qua, thay vì xuống chợ để sắm sửa cho cái Tết Nguyên đán đang cận kề, hàng chục hộ dân thôn Tiến Đức lại đang đứng ngồi không yên vì biển xâm thực. Có mặt cùng với người dân nơi đây, chúng tôi chứng kiến nhiều ngôi nhà không còn nữa, số còn lại thì không nguyên vẹn. Bãi biển ngổn ngang “xác” nhà, cây cối xiêu vẹo hoặc đã bật gốc nằm trơ trọi trên biển. Với hy vọng cứu lại phần nào những ngôi nhà đã bị sóng biển “gặm nhấm” gần hết, người dân nơi đây đã phải huy động toàn gia đình để đưa đá, bao cát gia cố lại bờ kè trước nhà. Thế nhưng, chỉ sau một đêm, những con sóng dữ lại ập vào, cuốn phăng hết mọi thứ.
Nhìn căn nhà bị biển “nuốt” cách đây vài hôm, bà Nguyễn Thị Ánh (ngụ tổ 3, thôn Tiến Đức) đau xót cho biết: “Cả nhà tôi đang ngủ thì thấy nhà rung lắc dữ dội. Tôi chỉ kịp gọi các con dậy, chạy ra ngoài trước khi hơn 2/3 căn nhà đổ sập xuống rồi trôi ra biển. Bây giờ nhà tôi phải căng chiếc lều tạm trên phần đất còn lại để sinh sống, xem như mất tết”. Ông Lê Ngọc Thu, Trưởng thôn Tiến Đức thông tin: “Hiện khu vực sạt lở còn 60 hộ dân đang sinh sống. Trong đó có tới hơn 30 hộ nhà cửa đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều căn đã bị sập hoàn toàn. Hiện nhiều gia đình đã không dám ở lại căn nhà của mình mà phải tìm khu đất trống để dựng lều ở tạm”.
Cách đầy hơn một tháng, người dân thôn Tiến Đức khấp khởi vui mừng vì tỉnh Bình Thuận có chủ trương cho một công ty tự bỏ kinh phí khoảng 4 tỷ đồng làm kè tạm bằng kỹ thuật vải địa công nghệ Hà Lan dài 500m để chắn sóng trước khu vực sạt lở. Thế nhưng, đơn vị thi công mới chỉ làm kè tạm được hơn 100m thì bất ngờ dừng lại vì chủ đầu tư không tạm ứng tiền để thi công tiếp. Ông Đinh Mẫn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Tiến Đức, cho biết: “Nếu như dự án kè tạm làm đúng tiến độ như đã hứa thì bà con chúng tôi không bị sóng biển đánh sập nhà như bây giờ. Hiện tại, chúng tôi rất mong những đơn vị liên quan nhanh chóng xây xong kè tạm để bà con bớt lo mà đón tết sắp tới”. Ông Đức cho biết thêm, theo kinh nghiệm của dân biển, vào dịp 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán, sóng biển thường rất lớn. Nếu kè tạm chưa hoàn thành, hàng chục căn nhà của các hộ dân nơi đây nguy cơ sẽ trôi ra biển.