Trong quá trình tìm hiểu về nghề gốm sứ Đông Nam bộ, phóng viên ghi nhận khá nhiều dấu tích của làng nghề gốm sứ xưa còn sót lại. Dọc quốc lộ 13 chạy qua thị xã Thuận An, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) có rất nhiều sản phẩm gốm sứ xếp thành từng hàng ngay ngắn chờ xuất xưởng và nhiều nhà trưng bày, cơ sở xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ.
Đi sâu vào bên trong các khu làng nghề xưa cũ, mặc dù các lò đốt đã chuyển đi xa trung tâm TP theo quy hoạch chung, nhưng trên con đường trải nhựa vẫn còn vương mùi đất bên cạnh các tòa nhà cao tầng.
Một trong số ít người thành công, nổi danh với nghề này là ông Lý Ngọc Bạch (67 tuổi) có hơn 50 năm làm nghề, hiểu từng ngóc ngách, khó nhọc của nghề và được gọi bằng cái tên trìu mến “nghệ nhân dép lê”, bởi mỗi ngày ông vẫn thường sử dụng bộ đồ công nhân giản dị, mang đôi dép lê vào xưởng trực tiếp chế tác sản phẩm từ 4 giờ sáng đến tận tối mịt mới về nhà.
Ông kể, những năm trước giải phóng, hàng trăm hộ dân trong vùng sinh sống chủ yếu với nghề làm gốm sứ với các sản phẩm gốm sứ cao cấp, chuyên xuất khẩu đi các nước châu Âu với giá trị cao gấp 10 lần các sản phẩm cùng chủng loại từ Triều Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) và sang Thái Lan.
Sau năm 1975, nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm gốm sứ nước ngoài giảm dần, nhiều cơ sở sản xuất không đủ vốn và kỹ thuật sản xuất phải chuyển đổi nghề, ngay bản thân ông cũng phải chuyển hướng sản xuất những sản phẩm bình dân (chén, chum, bình bông…) kết hợp canh tác lúa, đậu để gom vốn, chờ điều kiện thuận lợi để mở rộng xưởng chế tạo.
Ban ngày bỏ khuôn đúc làm nông dân, ban đêm say sưa nhào nặn các sản phẩm gốm sứ, ông đã bám trụ được nghề này và bắt đầu có những chuyến hàng xuất ngoại đầu tiên, xây dựng nhà xưởng và nhập lò nung bằng ga thay cho lò nung củi thủ công.
Đến giai đoạn nhà nước mở cửa, nhiều cơ sở đã bắt đầu phất lên. Ông Bạch nói: “Thời điểm đó, nghề này đã làm giàu cho không ít gia đình, các lò cạnh tranh nhau, xây được nhiều biệt thự, mua nhiều xe hơi đắt tiền. Thế nhưng, khi nhà nhà xây biệt thự, người người mua xe hơi thì tôi lại dành tiền đi tham gia triển lãm, tham quan các làng nghề gốm của nước ngoài; đồng thời mua thêm đất xây dựng xưởng, nhập lò nung từ nước ngoài”.
Trong 2 năm (1997-1999) ông đã nhập về 4 lò liên hoàn, 8 lò con thoi, 2 lò điện và 2 lò liên hoàn hấp (mỗi lò có giá 400.000 - 600.000 USD), cho phép sản xuất sản phẩm đa dạng, đáp ứng mọi yêu cầu về mẫu mã. Từ những chuyến đi đó, ông đã tìm kiếm thêm được nhiều khách hàng và ký kết được các hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD.
Cũng theo ông Bạch, ở Bình Dương hiện chỉ còn chưa đến 50 cơ sở sản xuất gốm sứ (chỉ bằng 10% so với 40 năm trước), trong đó số người biết công thức pha liệu, đặc biệt là pha trộn các loại đất từ nhiều vùng miền (Vĩnh Phúc, Lâm Đồng), tạo độ dẻo, kết dính và mịn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Từ năm 1991, khi gốm Bình Dương có cơ hội tham gia hội chợ quốc tế tại Trung Quốc và tìm kiếm được những khách hàng nước ngoài đầu tiên từ lãnh thổ Đài Loan, thì lô hàng xuất khẩu ban đầu chỉ mới có giá trị vài chục ngàn USD.
Các cơ sở sản tại đây đã chọn những sản phẩm đẹp nhất, màu sơn ấn tượng và chất lượng tốt nhất để thể hiện các hoa văn mang màu sắc văn hóa Việt Nam lên sản phẩm như tranh Đông Hồ, hình ảnh sinh hoạt dân gian, các con giáp theo quan niệm phương Đông, tạo nét độc đáo trên từng sản phẩm.
Đến năm 1997, gốm Bình Dương được xuất khẩu sang các quốc gia Đức, Nhật và các nước châu Âu khác thông qua công ty AKIA (Thụy Điển) và chiếm tới 75% sản lượng sản xuất của doanh nghiệp, với giá trị mỗi năm hơn 7 triệu USD.
Thông qua doanh nghiệp Thụy Điển, gốm Việt Nam (chủ yếu từ một số doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương) đã có mặt ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và vì thế hình ảnh 12 con giáp, hoa sen, áo dài, bông lúa… thường được in trên các sản phẩm gốm sứ trở nên quen thuộc với một bộ phận người dân châu Âu.
Theo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, chính cách thể hiện hoa văn độc đáo bằng những hình tượng vốn thuộc về văn hóa truyền thống của Việt Nam trên những sản phẩm có kỹ thuật tinh xảo và giá bán hợp lý đã giúp sản lượng xuất khẩu các mặt hàng này trong năm 2018 tăng lên tới hơn 110% so với năm 2017 và dự kiến trong năm 2019 sẽ tăng khoảng 120% với giá trị xuất khẩu hàng chục triệu USD, tạo việc làm cho hơn 9.000 công nhân lao động trên địa bàn. Trong khi các làng gốm trên cả nước đang chật vật với bài toán bảo tồn, thậm chí có lúc bế tắc tìm đầu ra cho sản phẩm thì những cơ sở sản xuất lớn tại Bình Dương đang tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân, đưa sản phẩm của mình xuất hiện tại các triển lãm lớn ở Đức, Pháp, Thụy Điển… giới thiệu với bạn bè quốc tế, từ đó mở rộng thị trường và sản lượng xuất khẩu trong những năm tới. |