“Bén duyên” với gốm sứ
Sinh ra trên cái nôi gốm sứ nên từ bé, ông Lý Ngọc Minh, chủ của Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, sớm nuôi dưỡng tình yêu với nghề gốm. Những năm 1962-1963, trong một lần được người nhà dắt đi xem triển lãm gốm sứ, những món đồ của làng gốm trong tỉnh và nhất là đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản đã gieo vào đầu cậu bé Minh ước mơ “lớn lên sẽ phải làm được những đồ gốm cho bằng nước ngoài”. Do cha mất sớm, ông được cha dượng gửi học nghề của chú Siêu (một trong 2 nhân vật tiếng tăm của giới làm gốm đất Thủ), tập làm những công việc phụ khiêng đất, vác củi, đốt lò gốm và ông dần học hỏi được những kỹ thuật cơ bản của nghề.
Năm lên 18 tuổi, ông Minh mở một phòng thí nghiệm làm gốm sứ men Tây có tông màu sáng hơn so với đồ gốm truyền thống thường có gam màu tối. Sản phẩm đắt khách nên năm 1970, ông cùng một người bạn tên Long hợp sức làm cơ sở lấy tên là Minh Long, chuyên sản xuất đồ gốm mỹ nghệ. Sau năm 1975, cơ sở đình đốn do ảnh hưởng của kinh tế bao cấp lúc đó. Cuối năm 1979, họ có ý dựng lại xưởng sản xuất và đến năm 1980, hai người tách ra lập công ty riêng. Ông Minh lấy tên là Minh Long I, chuyên làm đồ sứ mỹ nghệ và gia dụng. Thời kỳ đầu, công ty chuyên sản xuất mặt hàng chén hoa hồng, tô hoa hồng có chấm men; sau đó sản xuất những bộ trà măng, trà bắp và mời nghệ nhân vẽ bút pháp thủy mặc đưa vào chén, dĩa, bình bông.
Thành công nhờ đổi mới
Cơ hội thực sự đến với gốm sứ Minh Long I khi Nhà nước thực hiện công cuộc mở cửa vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Một số Việt kiều Pháp tìm đến công ty đặt hàng làm hình người cao khoảng 3,5cm, hoặc hình trâu, bò… (con giống), để bỏ vào trong bánh ga-tô dùng trong các thánh lễ của đạo Thiên Chúa. Chỉ sau 72 giờ, ông Minh đã hoàn thành sản phẩm mẫu, giành được sự tín nhiệm cao của khách nên trúng lô hàng đầu tiên 50.000 sản phẩm trong 3 tháng; sau đó nâng dần lên 150.000 - 250.000 sản phẩm. Đến năm 1995, khoảng 98% sản phẩm của Minh Long I làm ra để xuất khẩu với sản lượng tầm 20 triệu sản phẩm/năm. Đến giai đoạn 2007-2008, Minh Long I tỏ ra không có đối thủ khi chiếm lĩnh đến 70% - 80% thị trường gốm hình con giống ở Pháp với sản lượng 30 triệu sản phẩm/năm. Hiện nay Công ty Minh Long I có 2 dòng sản phẩm chính là gốm sứ mỹ nghệ và chén dĩa gia dụng cao cấp, cung ứng thị trường trong, ngoài nước. Trong đó, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu ổn định ở mức 6 - 7 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động với mức thu nhập gần 11 triệu đồng/người/tháng.
Từ khoảng năm 1995, ông bắt tay làm đồ gốm sứ gia dụng cao cấp theo kiểu của Trung Quốc, Nhật Bản. Ông dành thời gian đi tham quan các hãng sứ danh tiếng trên thế giới, tìm hiểu công nghệ lò đốt cùng thiết bị làm gốm sứ cao cấp của Đức, Pháp, Anh, rồi quyết định nhập lò đốt nhiệt độ cao 1.380oC của Đức và máy móc hiện đại từ Nhật Bản. Những năm 2000-2002, gặp lúc giá gas tăng, đơn giá tiền lương tối thiểu tăng, công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc này, ông quyết định cải tiến kỹ thuật nung lò nhập ở Đức từ nung 2 lần sang nung 1 lần là cho ra sản phẩm để giảm chi phí nhiên liệu nhưng tỷ lệ sản phẩm loại nung 1 lần cao hơn hẳn thiết kế của hãng và sử dụng nguyên liệu cao lanh từ các nơi trong nước và đất hiếm nhập từ nước ngoài. Ông thành công từ năm 2007-2008 cho đến nay, khi cung cấp cho thị trường vô số sản phẩm gốm sứ gia dụng và sứ mỹ thuật trang trí cao cấp đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng; tinh xảo về công nghệ vẽ màu trên sứ.
Những năm gần đây, gốm sứ Minh Long I luôn được chọn làm quà tặng hay sản phẩm dùng chính thức trong các sự kiện ngoại giao lớn của đất nước như Hội nghị APEC, ASEAN; trong đó phải kể đến bộ bình trà kỹ thuật tổng hợp có khắc bông nổi trên nền gốm màu đen được Chính phủ Việt Nam tặng lãnh đạo chính phủ các nước ASEAN trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Làng nghề hơn 150 tuổiTrong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bình Dương, không thể thiếu quá trình hình thành và phát triển của những làng gốm. Theo dòng di dân, người từ các miền quê đã tìm bến đậu ở đất Thủ (Bình Dương ngày nay, có tên Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc), trong đó phải kể đến những cư dân đến từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây của lục địa Trung Hoa xa xôi, mang theo truyền thống làm gốm sứ lâu đời vang danh thế giới. Từ giữa thế kỷ 19, những làng nghề gốm đầu tiên đã sớm được hình thành và một trong ba lò gốm đầu tiên của ông Vương Lương, gốc Phúc Kiến. Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp đếm được Thủ Dầu Một có khoảng 40 lò gốm - nơi hội tụ nghệ nhân tứ xứ. Trong đó, mỗi nơi chuyên một mặt hàng chủ lực như: làng gốm Bình Chuẩn, Tân Phước Khánh làm đồ chén, dĩa; làng gốm Lái Thiêu chuyên làm lu, khạp vàng; làng gốm Tương Bình Hiệp, Tân Ba chuyên làm bình bông, lu đen, gốm treo tường. Ông Lý Ngọc Minh Theo ông Lý Ngọc Minh, khoảng 50 năm trước, có 2 nhân vật tiếng tăm trong giới làm gốm đất Thủ. Đó là chú Siêu (làng gốm Tân Hòa Phát), sớm thành công với công nghệ tạo hình bằng máy, làm khuôn mẫu bằng thạch cao, chụm lò gốm bằng dầu cặn và sử dụng lò lửa đảo của Nhật Bản và ông Ngô Thành Vĩnh, người Nùng, xuất thân từ Quảng Ninh, có họ hàng ở Trung Quốc. |