Gom rác và gom sách

Nhiều người gọi Phạm Công Luật (29 tuổi, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) bằng cái tên thân mật: Gom. Trước, anh gom rác, và giờ là gom sách. 
Phạm Công Luật (trái) bên những túi rác mà mình gom được
Phạm Công Luật (trái) bên những túi rác mà mình gom được

“Hành trình Gom”

Từ khi là sinh viên Khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa TPHCM), Phạm Công Luật đã luôn là người năng động và nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng. Và rồi, Luật gặp cú sốc khi ra trường. “Tôi cứ xin việc ở chỗ này lại nhảy việc chỗ khác. Nhiều lần nộp đơn xin việc, đến lúc người ta gọi đi phỏng vấn thì tôi lại từ chối. Ba mẹ muốn tôi có một công việc ổn định, lập gia đình, còn tôi thì mong muốn một công việc phù hợp với cái tôi của mình. Chưa kể, thời gian đó tôi bị thất tình. Mọi thứ cứ trượt dài như vậy”, Phạm Công Luật nhớ lại. 

Cách đây 5 năm, Luật bị trầm cảm. Suốt 6 tháng, cả ngày anh chỉ nằm trong phòng, lâu lâu ra quán cà phê ngồi một mình đọc sách. Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng Luật quyết định trở về quê sống cùng ba mẹ. Chính thời gian này đã giúp anh ít nhiều cân bằng được tâm lý, để trở lại TPHCM tìm cơ hội việc làm mới.

Vốn là một người yêu thích thiên nhiên, quan tâm đến chất lượng môi trường sống cũng như các vấn đề xã hội, đặc biệt là tình trạng thông tin độc hại xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội khiến một bộ phận người dân nghi ngờ về lòng tốt dành cho nhau, Phạm Công Luật lóe lên ý tưởng đạp xe xuyên Việt và nhặt rác. “Tôi muốn làm gì đó cho môi trường và hy vọng việc làm của mình sẽ là thông tin tích cực có thể lan tỏa đến nhiều người”, Phạm Công Luật chia sẻ.

Để chuẩn bị cho hành trình của mình, tháng 5-2020, Luật xin nghỉ việc. Ngày 4-7-2020, với hai bộ quần áo cùng chiếc túi treo hai bên xe đạp, Luật bắt đầu hành trình của mình. Từ TPHCM, anh xuống Bà Rịa - Vũng Tàu rồi bắt đầu ngược ra Bắc. Kế hoạch của anh là đạp xe xuyên Việt, ra đến Hà Nội, ngoài việc có thêm trải nghiệm cho bản thân, Luật có kế hoạch xin vào làm việc cho một tổ chức môi trường. “Tuy nhiên, kế hoạch đó đã không thể hoàn thành vì khi tôi ra đến Đà Nẵng thì dịch Covid-19 bùng phát. Tôi phải gửi xe đạp ở Quảng Ngãi, đi tàu về Phú Yên, sau đó quay về TPHCM tổ chức trung thu cho trẻ em cơ nhỡ”, Phạm Công Luật kể. 

Dẫu không đạt được ý nguyện, Phạm Công Luật đã có một hành trình đầy ý nghĩa khi đi qua nhiều tỉnh thành. Mỗi ngày, anh đạp xe từ 80-130km; đến địa phương nào anh cũng dừng xe, đích thân gom rác rồi xử lý ngay tại chỗ. Luật còn quay video, viết bài rồi đăng tải trên trang cá nhân lẫn fanpage “Hành trình Gom”, với hy vọng giúp mọi người nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống. 

Sách cho trẻ em nghèo 

Ban đầu, Luật xác định hành trình vừa đạp xe vừa gom rác là của bản thân mình, nhưng rồi trên hành trình đó, anh đã không còn cô độc khi có sự tham gia của nhiều người dân. Chẳng hạn khi đến Phú Yên, anh đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của nhóm Hành trình xanh hay thầy Phạm Anh Tân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Linh. Điều này trở thành động lực để Luật tiếp tục hành trình gom rác của mình, cũng như tham gia các hoạt động cộng đồng.

Tháng 10-2020, miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Trước đó đã phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Luật cùng những người bạn đồng hương Quảng Trị quyên góp được gần 400 triệu đồng. Số tiền này được quy đổi thành gạo, nhu yếu phẩm để chuyển đến cho người dân ở một số xã của 3 huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa (Quảng Trị). 

Ngoài hỗ trợ gạo lẫn nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng lũ, thời gian đó, Luật còn kết hợp với dự án Bookiee kêu gọi quyên góp sách cho các em học sinh. Nhóm của Luật đã quyên góp được 3.600 đầu sách các thể loại cùng hơn 20 triệu đồng để mua áo ấm và giày dép, trao cho 3 trường: Trường THPT Nội trú tỉnh Quảng Trị, Trường Tiểu học và Trường THCS A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị).  

Trong tháng 6 và tháng 7 này, Phạm Công Luật tiếp tục kết hợp Bookiee tổ chức hoạt động “Chung tay góp sách - Khai phóng tương lai”, dự kiến lập 5 kệ sách và đóng góp hơn 4.000 đầu sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại chùa Bồ Đề (Hà Nội), Làng trẻ em SOS (TPHCM), chùa Bửu Trì (Cần Thơ), Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hoa Mai (Đà Nẵng), Mái ấm Hồng Quang (Vũng Tàu), Thư viện cộng đồng EVG (Lâm Đồng). 

“Không phải ai cũng có đủ điều kiện để được tiếp cận với sách, được đọc sách cũng như thu nạp những tri thức mới. Chính vì vậy, tôi và Bookiee mong muốn mang đến cho các em có hoàn cảnh khó khăn những cuốn sách hay, giúp các em có cơ hội đọc sách và mở mang kiến thức, nhờ đó được tự do mơ ước, chinh phục hoài bão và vươn lên thay đổi cuộc đời mình”, Phạm Công Luật bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục