Sáng 29-6, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội theo đăng ký.
>> Gợi ý giải đề thi tổ hợp Khoa học xã hội
>> Gợi ý giải đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên
Nhận xét Bài thi Khoa học Tự nhiên
Đề Sinh học có tính phân hóa cao
Theo giáo viên Trần Thu Ngân (Trường THPT Vĩnh Viễn), trong đề thi chính thức môn Sinh học năm 2023, về cơ bản cấu trúc vẫn tương tự như năm 2021, 2022 với 4 câu của lớp 11 (mức nhận biết và thông hiểu thuộc chương I: Chuyển hóa vật chất và năng lượng) và 36 câu của lớp 12, tuy nhiên số lượng câu hỏi lý thuyết tăng lên thành 35 câu (chiếm 87,5%), số lượng câu hỏi bài tập là 5 câu (chiếm 12,5%) và có một thực tế, đề thi môn Sinh học gần như chỉ còn một chút kiến thức Toán học lồng ghép vào. Điều này thể hiện đúng tinh thần của đề thi tham khảo môn Sinh học năm 2023 khi có xu hướng tăng dần các câu hỏi mang đúng bản chất môn Sinh học và giảm dần các kiến thức Toán học, nhất là các dạng câu hỏi, bài tập dùng công thức giải nhanh, các mẹo để tính toán. Tổng thể, 30 câu đầu tiên trong đề nhẹ hơn so với đề thi năm 2022, điều này là phù hợp để xét tốt nghiệp. 10 câu cuối có tính phân hóa cao hơn so với năm trước để đảm bảo sự phân hóa các thí sinh cho việc xét tuyển đại học.
Nhìn chung, đề thi dài hơn những năm trước đây với 6 trang nhưng hạn chế tối đa các phép toán cồng kềnh, tăng cường các câu hỏi khai thác bản chất môn Sinh học với kênh hình, bảng biểu, đồ thị và có nhiều câu vận dụng thực tiễn, “mang hơi thở cuộc sống”.
Sự thay đổi tốt hơn ở đây là các bài tập đã giảm tối đa các phép tính toán, thay vào đó học sinh phải có sự suy luận dựa trên nền tảng kiến thức môn Sinh học. Năm nay Ban ra đề thi đã đưa vào nhiều câu mang xu hướng đánh giá năng lực, đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích và suy luận nhiều. Đặc biệt là ở phần Sinh thái học có 3 câu mức vận dụng cao là khai thác theo hướng này (năm 2022 chỉ có 1 câu). Phần Tiến hóa mọi năm chỉ dừng ở vận dụng thì năm nay có 1 câu ở mức vận dụng cao (cũng khai thác theo xu hướng đánh giá năng lực bằng cách phân tích đồ thị). Bên cạnh đó, những năm trước đây chủ yếu các câu vận dụng cao thuộc vào nội dung Tính quy luật của hiện tượng di truyền thì năm nay phần này chỉ còn 1 câu. Câu vận dụng cao ở chuyên đề Cơ chế di truyền và biến dị vẫn tương tự như hai năm gần đây là bỏ phần tính toán, thay vào đó học sinh cần phải hiểu thật chắc chắn bản chất lí thuyết môn Sinh học mới có thể xử lí được. Với sự thay đổi này thì đúng như kì vọng của các giáo viên môn Sinh học trên cả nước đó là đưa môn Sinh học trở về đúng bản chất của nó.
Đề Vật lý khó kiếm điểm 9, 10
Theo giáo viên Trần Ngọc Lân (Trường THPT Lê Thánh Tông), phần lớn nội dung đề thi bám sát chương trình học lớp 12, gần giống cấu trúc đề tham khảo, có tính phân loại cao. Về mức độ khó thì học sinh dễ kiếm điểm 5, nhưng điểm 9, 10 thì khó. Tỷ lệ các câu của các chương vẫn không thay đổi nhiều so với đề thi các năm trước và đề tham khảo, vẫn tập trung nhiều vào 3 chương đầu của Vật lý lớp 12 như dao động cơ, sóng cơ và dòng điện xoay chiều. Đề thi có khoảng 70% là cơ bản và 30% mang tính phân loại. Các câu trắc nghiệm định tính (lý thuyết) chiếm khoảng 50%. Các câu hỏi mang tính phân loại cao liên quan đến thực tiễn, ứng dụng. Bên cạnh đó học sinh cần chú ý hơn ở các câu thông hiểu đặc biệt là những câu trắc nghiệm định tính, đôi khi đọc có cảm giác rất dễ nhưng bị lừa về mặt bản chất vật lý, đến nhưng câu này thí sinh cần bình tĩnh, đọc kỹ câu hỏi, không vội vàng trong việc chốt đáp án cuối cùng.
Đề Hóa học mức độ khó giảm đi
Theo giáo viên Đặng Thị Thúy Hiền (môn Hóa học, Trường THPT Vĩnh Viễn), đề có 30 câu đầu thuộc mức độ đơn giản, học sinh có thể làm ra kết quả rất nhanh. Còn lại 10 câu đòi hỏi có sự tư duy gồm vận dụng và vận dụng cao. Trong đó mức độ vận dụng có câu liên quan tới tái chế vật liệu phù hợp với xu hướng hiện tại. Năm nay không có câu điện phân nên mức độ khó giảm đi so với năm trước. Câu đồ thị cũng có phần nhẹ nhàng hơn mọi năm. Nhìn chung, phổ điểm dao động từ 6 tới 7 điểm. Học sinh khá có thể làm được 8 điểm. Đặc biệt, câu 77 của mã đề 201 là một câu rất khó. Nhiều giáo viên có thâm niên phải chật vật trong vòng 20 phút mới giải ra đáp án.
Nhận xét Bài thi Khoa học Xã hội
Môn Giáo dục Công dân dễ đạt điểm 9, 10
Theo giáo viên Nguyễn Thanh Hường (môn Giáo dục công dân, Trường THPT Tây Thạnh), đề thi tương đối dễ với các thí sinh. Nội dung chính vẫn nằm ở chương trình lớp 12. Học sinh thuộc bài có thể dễ dàng đạt được điểm 8, 9. Chỉ có hai câu ở mức độ vận dụng cao đòi hỏi học sinh có khả năng phân tích và suy luận. Phổ điểm vẫn tập trung từ 5 tới 8 điểm. Tuy nhiên, số học sinh đạt điểm 9 và 10 sẽ nhiều hơn năm trước.
Phổ điểm môn Lịch sử sẽ khá cao
Giáo viên Phạm Văn Phương (môn Lịch sử, Trường THPT Vĩnh Viễn) cho biết, nhìn chung đề thi tương đối nhẹ nhàng như mọi năm. Học sinh có thể hoàn tất bài làm trước lượng thời gian cho phép. Tuy nhiên, vẫn có những câu mà ngay cả giáo viên vẫn phải phân vân khi chọn lựa. Phổ điểm môn Lịch Sử sẽ khá cao nhưng sẽ thấp hơn môn giáo dục công dân.
Môn Địa lý sẽ ít điểm 10
Nhận xét đề thi môn Địa lý, giáo viên Nguyễn Đình Tình (Trường THPT Vĩnh Viễn) cho rằng, đề thi vừa sức, đáp ứng được yêu cầu vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đề thi đúng cấu trúc đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố, gồm phần thực hành kỹ năng địa lý 19 câu với 4,75 điểm, phần lý thuyết 21 câu với 5,25 điểm. Phần thực hành kỹ năng địa lý có 19 câu trong đó gồm 15 câu kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, 2 câu kỹ năng nhận xét và phân tích bảng số liệu, 2 câu kỹ năng nhận biết và nhận xét biểu đồ. Phần lý thuyết trong đề thi phân bổ theo các chủ đề địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý ngành kinh tế, vùng kinh tế. Đề thi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, mức độ phân hoá đề thi tương đối cao, từ câu 70 đến câu 80 là những câu vận dụng và vận dụng cao để làm được các câu hỏi này yêu cầu thí sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản, biết vận dụng kiến thức lý thuyết kết hợp với thực tế. Ở mã đề 321 các câu thực hành kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu (câu 57, câu 60, câu 76, câu 78) đòi hỏi thí sinh phải tính toán, có kỹ năng phân tích, nhận diện các loại biểu đồ mới chọn được phương án trả lời đúng. Với đề thi THPT môn Địa lý năm nay phổ điểm chủ yếu sẽ từ 7-8 điểm, ít điểm 10.