Chị Hoàng Thị Diệu (ở quận Gò Vấp) nhận xét: “Ban đầu tôi thấy việc gói thực phẩm bằng lá chuối khá thú vị, thực sự có hiệu quả trong việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, số thực phẩm được gói bằng lá chuối ngày càng ít đi, có gói bằng lá chuối thì nhiều lá đã héo vàng. Khi bán hàng, nhân viên tại các siêu thị lại dùng rất nhiều túi ni lông để đựng thực phẩm, về nhà phải bỏ đi, vừa lãng phí vừa gây hại môi trường”.
Anh Võ Văn Tiến (ở quận Phú Nhuận) cũng thấy như vậy: “Khi mua thực phẩm như rau củ quả, tôi vẫn được siêu thị đựng trong các túi ni lông hoặc hộp nhựa. Tôi nghĩ, nếu như khó tìm ra đủ lá chuối để gói hoặc giá lá chuối không rẻ thì các siêu thị cũng nên sử dụng bao gói thân thiện môi trường. Thí dụ, có thể đựng các thực phẩm khô bằng túi giấy, đựng thực phẩm tươi bằng các túi vải tự hủy khi thải ra môi trường. Có như vậy, mới dần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và thay đổi thói quen của người tiêu dùng”.
Lá chuối, lá sen, dây lát… là những vật liệu để gói, cột thực phẩm phổ biến từ thời xa xưa, đến nay vẫn rất ưu việt về tính thân thiện môi trường. Do vậy, để hạn chế rác thải nhựa, nên quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn cung cấp ổn định các vật liệu này, giảm giá thành. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của túi ni lông, cũng như các sản phẩm từ nhựa, đến môi trường sống và sức khỏe con người. Giải pháp đánh thuế cao vào các sản phẩm bao bì nhựa cũng là cách hạn chế rác thải nhựa.