Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật dân gian dân tộc H’Mông - Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn |
Xã Tây Sơn được xem là một trong những “cổng trời” của huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An). Đây là nơi đồng bào H’Mông sinh sống và tạo nên một vùng văn hóa riêng, giàu bản sắc. Tuy nhiên, những năm gần đây, văn hóa của đồng bào H’Mông đang bị mai một, nhiều người H’Mông không còn làm được khèn, chơi được khèn của dân tộc mình. Trước thực tế đó, các thầy cô giáo ở Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn đã nảy ra sáng kiến “gọi lại tiếng khèn” cho các em học sinh đồng bào H’Mông.
Cô Lã Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn tâm sự, Tây Sơn là mảnh đất có những “vỉa, mạch” văn hóa rất đậm đà bản sắc, đặc biệt là văn hóa của người H’Mông. Với người H’Mông, tiếng khèn, tiếng sáo không chỉ là âm thanh, là âm nhạc mà ẩn trong đó biết bao tâm tình, là dòng chảy tinh hoa văn hóa truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng thật buồn, những năm gần đây, khi giao thông được mở lên “cổng trời”, điện kéo lên, đồng thời với ti vi, điện thoại mang theo nhiều loại hình âm nhạc đã khiến tiếng khèn, tiếng sáo phải lui dần và lép vế. Nếu tiếng khèn H’Mông mất đi thì cái hồn của người H’Mông ở Tây Sơn dường như cũng không còn.
Sau bao trăn trở, cô Huyền cùng Ban Giám hiệu và thầy cô nhà trường quyết bằng mọi giá phải “gọi lại” tiếng khèn H’Mông. Cô Huyền đứng ra thành lập và làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật dân gian dân tộc H’Mông.
Thời gian đầu, việc vận động học sinh tham gia câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn. Chính các em học sinh người H’Mông lại e ngại, không muốn tham gia vì cũng đã lâu các em ít được nghe, được xem người lớn chơi khèn, thổi sáo, múa ô...
Để tạo niềm tin và hứng thú cho các em, cô Huyền (người dân tộc Kinh), thầy Vi Văn Hùng (người dân tộc Thái) trực tiếp nhập cuộc. Thầy Hùng tham gia Đội văn nghệ quần chúng huyện Kỳ Sơn nên học hỏi được khá nhiều từ các nghệ nhân người H’Mông. Đặc biệt, nhà trường đã mời đích thân mời bác Vừ Lầu Phổng, một nghệ nhân thổi khèn nổi tiếng của Tây Sơn và Kỳ Sơn tham gia truyền dạy.
Các em học sinh đang tập luyện một tiết mục múa khèn |
Từ những e dè ban đầu, đến nay, các em học sinh đã tham gia hào hứng, đầy tình yêu và trách nhiệm với văn hóa của cha ông. Em Vừ Bá Tuấn (học sinh lớp 9A) phấn khởi: “Được bác Phổng, rồi các thầy cô dạy dỗ, đến nay đội của chúng em đã tập được nhiều bài khèn, thổi sáo, múa ô. Chúng em còn tập và biểu diễn được vừa thổi khèn vừa nhào lộn. Đây là tiết mục rất khó nhưng cũng là niềm tự hào nếu tập được. Vừa rồi đội chúng em đạt giải nhì hội thi văn nghệ cấp huyện”.
Cô Lã Thị Thanh Huyền chia sẻ, từ khi câu lạc bộ đi vào hoạt động đã thổi ngược một “luồng gió” về với bản làng đồng bào H’Mông. Các cháu nhỏ chơi khèn đã đánh thức ở người lớn những âm điệu du dương trầm bổng tưởng như đã để quên trong núi Pù Lon, Sí Dì. Nhiều người đã “hạ khèn” trên gác nhà xuống đem ra chơi, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Sau khi câu lạc bộ hoạt động ổn định, Ban Giám hiệu Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn đang hướng đến mô hình trường học du lịch. “Tây Sơn có khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh đẹp, giàu bản sắc văn hóa, đường lên Tây Sơn cũng đã thuận lợi. Đây là những cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng. Tham vọng của chúng tôi là xây dựng mô hình trường học du lịch. Các em học sinh tham gia không chỉ trình diễn để khách phương xa biết văn hóa, nét đẹp của dân tộc H’Mông, mà qua đó thể hiện được lòng tự hào về văn hóa dân tộc mình, được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nâng cao nhận thức về việc học tập, hướng nghiệp cho tương lai”, cô Huyền kỳ vọng.