Dù rằng Bống nhớ lời mẹ vẫn nói, khi bực tức, ghét bỏ điều gì đó, hãy lập tức quên nó đi. Bực tức sẽ tạo ra những nếp nhăn.
Bạn khoan cười nha. Nếu bạn không tin rằng con nít cũng có nếp nhăn thì hãy nhìn những cô bé cậu bé hay bực tức. Có thể không phải là vết chân chim đuôi mắt như bố mẹ, vết gấp khóe miệng như ông bà, nhưng con nít vẫn có những vết - nhăn - vô - hình làm nên vẻ mặt cau có rất khó ưa. Và lâu dần, vẻ nhăn nhó khó ưa ấy sẽ hình thành những vết nhăn đích thực. Nếu như vết nhăn của người lớn nói lên những sự vất vả của ông bà, bố mẹ thì vết - nhăn - vô - hình của con nít chỉ nói lên rằng bạn rất chi là khó ưa, khiến bạn ngày càng ít bè bạn.
Lại trở lại chuyện anh Bình đánh Bống đau trời giáng. Đó là lúc anh Bình đang đứng chơi tâng bóng, việc chẳng liên quan gì Bống nhưng Bống đi ngang ngứa chân đạp quả bóng ra xa. Anh Bình vẫn đếm từ 1 đến 100 mỗi khi tâng bóng nhưng chỉ cần bất cứ điều gì khiến anh xao nhãng như là một cú đạp chân của em gái chẳng hạn, anh ấy sẽ phải đếm ngược ngay từ đầu về số 1. Khả năng tập trung của anh Bình rất kém. Anh Bình tức hiệp một, đưa mắt nhìn hầm hè. Bống bỗng thấy thú vị khi chọc được anh, một chốc quay qua quay lại thò chân phá bóng. Lần này thì anh Bình không hầm hừ nữa. Anh hét lên một tiếng và nhào tới thụi một phát vào tấm lưng bé nhỏ của Bống.
Bống khóc òa. Dĩ nhiên lúc này mẹ sẽ lập tức có mặt. Mẹ sẽ ôm lấy Bống và xuýt xoa thương tấm lưng của Bống đang đỏ ửng lên và nói câu quen thuộc: “Tội nghiệp con bé quá”. Mẹ xức chút dầu khuynh diệp thơm thơm vào bờ lưng đỏ ửng ấy, tay xoa xoa rất dễ chịu. Xong xuôi, mẹ quay ra trách móc anh Bình không biết thương em. Bình làm như vậy là sai, rất sai rồi, Bình có hiểu không? “Bình hiểu”, anh Bình đáp cụt lủn khiến Bống càng khóc to vì ấm ức.
Năm nay anh Bình 10 tuổi, Bống 6 tuổi. Anh chậm khôn hơn em. Đó là một chứng bệnh mà thi thoảng mẹ vẫn nhắc tới để Bống hiểu và thông cảm với anh. Nhưng rồi, khi bị đau lưng đến hoa mắt, ai mà thèm nhớ tới chứng bệnh ấy. Có khi Bống tức đến mức, đòi mẹ đổi ngay anh Bình xuống nhà bác Quỳnh. “Đổi anh Bình lấy anh Chít đi mẹ. Chơi với anh Chít vui hơn”.
Mẹ nói, anh Bình nếu hiểu được sẽ rất buồn. Vì dù thế nào anh Bình cũng là anh Hai của Bống, là con của bố mẹ, là thành viên của nhà mình. Chẳng có lý do gì bắt anh qua ở nhà người khác cả. Nếu đưa Bống qua nhà người khác ở, chắc chắn Bống cũng đâu chịu.
* * *
Sáng nay, vết ê ẩm trên lưng đã biến mất nhưng nhớ lại Bống vẫn chưa thôi bực mình. Chưa bao giờ cô nhỏ bị đánh đau như thế cả. Trước khi đi học, mẹ lấy chiếc vòng nhỏ có chữ My Anh, đó là chiếc vòng nhựa phản quang có thể sáng lên trong bóng tối anh Bình nhặt đâu đó ở trường về cho em Bống. Bống đã từng rất thích cái vòng ấy nhưng nhất định hôm nay không thích, không đeo. Mẹ vờ như không hiểu ý Bống, nhỏ nhẹ: “Bạn vòng này nói rằng đã lâu không được chị Bống mang theo đến lớp, bạn ấy buồn đó nha”. Nói như thế thì ai mà từ chối được cơ chứ.
Chiếc vòng nhỏ nhắc Bống rằng món quà gần đây nhất là hôm 8-3, anh Bình còn lượm cả bông hoa hồng trước cổng trường bị gãy sát tận đài hoa về cho em. Nếu bỏ qua nhược điểm chỉ có mỗi hoa, không cành không lá thì quả thực đó là một bông hoa cực kỳ đẹp. Những cánh đỏ tươi ôm lấy nhau, như ru nhau ngủ muộn. Bởi thế mà khi anh Bình nói: “Hoa đẹp nè, hoa đẹp không?” thì ngay lập tức em Bống xác nhận: “Hoa đẹp quá. Cảm ơn anh Hai nha!”. Cả Bống nữa, mẹ vẫn kể lại kỷ niệm ngày Bống 3 tuổi, về quê tuốt ngoài Bắc. Khi ấy các bà các cô cho trái mận, trái na, Bống đã biết xin thêm cái bịch để cất về cho anh Bình. Dù rằng anh Bình đang ở xa gần 2.000 cây số.
Kế chiếc vòng của bạn My Anh nào đó mà anh Bình lượm về cho Bống là con chó nhựa sứt mũi. Con chó nhỏ có màu cầu vồng. Quả thực là màu cầu vồng vì anh Bình đã tô hết cả những màu mà anh ấy ưng nhất lên chú chó nhỏ để tặng Bống. Có lẽ anh nghĩ, kết hợp nhiều sắc màu đẹp thì càng đẹp, chẳng cần theo một trật tự quy luật nào. Và trước mặt con chó nhỏ là những chiếc thuyền bé tí hon, đàn chim hạc xíu xiu chen nhau đứng. Tất cả đều được anh Bình làm và để lên đó cho em Bống. Mẹ vẫn gọi đó là góc nhỏ yêu thương. Nơi con chó nhỏ, chiếc vòng nhỏ, hàng chục con thuyền giấy xếp hàng như đợi ra khơi hay cả chục cánh chim hạc như muốn tung mình lên trời đều tụ tập bên nhau, chênh chếch bên bàn học của Bống.
Có lần Bống nói, các bạn đồ chơi nếu có nói chuyện, nhất định sẽ nói chuyện về anh Bình và Bống. Nhất định sẽ kể với nhau về câu chuyện hết hờn giận lại yêu thương.
* * *
Tối nay anh Bình vẫn đi học về muộn như mọi bận. Từ lớp học của anh, mẹ chở vòng ra lớp học võ, chở ngược lại lớp học chữ… Rất nhiều ngày cả anh và mẹ miệt mài hàng chục cây số như thế. Anh Bình học chậm hơn các bạn và Bống, nên bù lại, mẹ phải cùng anh đi mất công, mất thời gian hơn rất nhiều lần. Mẹ nói, nếu như một học kỳ đầu của lớp một, Bống đã biết cộng trừ hết trong phạm vi 20 rồi, thì anh Bình phải học đến cả 4-5 năm không xong. Nhưng không sao cả, quan trọng là Bình muốn làm toán. Và quan trọng hơn, Bống còn muốn giúp anh tập làm toán. Bởi không chỉ là làm toán, đó là những việc nhỏ để Bống có thể sẻ bớt gánh nặng trên vai bố mẹ và anh Bình thôi.
Mùa nắng đã về trong thành phố. Tivi vừa đưa tin những con đường ngày càng vắng bóng cây, có người đi ngoài đường còn bị sốc nhiệt. Bà nói, mẹ với Bình mỗi ngày chạy xe ngoài đường đến sạm cả da, cũng cực vậy đấy. Bất giác Bống thấy khóe mắt mình cay cay.
Tối qua, giờ này Bống bị anh Bình đánh cú trời giáng nhưng bây giờ cô nhỏ đã quên khuấy chuyện đó rồi. Bất giác Bống nhìn lên chiếc vòng tay có chữ My Anh trên tay mình và nhìn lên góc nhỏ những thuyền giấy, hạc giấy… Ở đó có thật nhiều điều yêu thương.