Nghề giáo không chỉ là nghề nghiệp, đó còn là sự đam mê. Mặt bằng thu nhập không cao so với nhiều nghề khác nhưng nhiều người vẫn chọn nghề giáo. Nhiều thầy cô giáo có thể tìm việc làm khác có thu nhập khá hơn nhưng họ vẫn gắn bó với nghề vì yêu thích, đam mê nghề giáo.
Những gương mặt trẻ trung, những đôi mắt sáng, những câu nói hồn nhiên, những tiếng cười rộn rã, những cử chỉ nhí nhảnh, những trò tinh nghịch... của các em đã làm cho các thầy cô giáo thấy mình trẻ trung theo, sống “hồn nhiên” vui vẻ hơn, “quên” đi tuổi tác của mình.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao giải thưởng Võ Trường Toản tặng các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), niềm vui như được nhân đôi vì cũng là ngày sinh của thầy. Ngoài bằng cử nhân sư phạm, thầy đã tự bổ sung cho mình văn bằng 2 cử nhân công nghệ thông tin, tham gia nhiều khóa đào tạo về tâm lý để làm dày hơn hành trang đứng lớp. Thầy chia sẻ, mỗi học trò có khả năng tiếp nhận khác nhau, người giáo viên không thể lặp đi lặp lại cùng một giáo án cho tất cả học trò. Để có sự biến hóa riêng trong từng tiết dạy, giáo viên phải không ngừng sáng tạo, sử dụng các thiết bị công nghệ 4.0, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học trò. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cô Lâm Thị Minh Châu, giáo viên Trường chuyên biệt Hy vọng quận 8, tập các cháu đánh vần. Thầy cô dạy trẻ khiếm thính thường mất nhiều thời gian và công sức, muốn các em ghi nhớ một điều gì thì luôn phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, vừa dùng ngôn ngữ ký hiệu, vừa kết hợp với khẩu hình miệng để dạy các em phát âm cho quen. Những điều ấy đã ươm mầm cho bao ước mơ, hoài bão của các em… Ảnh: THANH HÙNG
Sinh viên Nguyễn Thy Trang - năm 3 Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống bằng việc dạy kèm đàn Piano cho những người có nhu cầu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cô giáo Trần Thị Kim Oanh công tác ở Trường Mầm non 19/5 Thành phố (quận 1) luôn được các trẻ nhỏ yêu thương như bà ngoại ở nhà. Từ bàn tay chăm sóc của cô, biết bao thế hệ học trò đã khôn lớn. Cô tâm sự: “Nghề này vui lắm. Chỉ cần con cầm được ly nước, mang được đôi giày, biết tự ăn là cha mẹ vui mừng một, cô vui đến mười”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Th.S Vũ Anh Sao là giảng viên Khoa Luật kiêm Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Thầy là người khởi xướng các hoạt động học thuật quy mô cho sinh viên như Phiên tòa giả định, Olympic pháp luật, Rung chuông vàng pháp luật..., thu hút sự tham gia của nhiều trường đại học đào tạo nhóm ngành luật tại TPHCM. Thầy chia sẻ: “Với tôi, nghề giáo là cuộc sống... Mỗi ngày được đứng trên bục giảng, sáng tạo nhiều hoạt động học thuật bổ ích cho sinh viên chính là niềm vui, nguồn động lực thôi thúc để tôi không ngừng phấn đấu và cống hiến hết mình vì sự nghiệp”. Ảnh: THANH HÙNG