Dấu ấn Quế Trân
Nội dung vở cải lương không xoáy sâu vào tình tiết sự đấu tranh căng thẳng, ác liệt giữa hai triều đại anh em nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh - một giai đoạn lịch sử thời hậu Lê nhiều thăng trầm, đất nước loạn lạc, người dân ly tán tứ phương lánh nạn binh đao.
Ở góc nhìn của những người trẻ làm cải lương, vở được xây dựng với mô tuýp một nhân vật nặng tình: tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, nghĩa phu thê và lớn hơn chính là tình yêu quê hương đất nước. Hơn thế nữa, ngọn nguồn giải quyết những mắt xích chính là chất nhân văn trong mỗi con người.
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời nàng công chúa Lê Ngọc Bình, còn được gọi là Lê Đức phi, hoàng hậu nhà Tây Sơn. Sau cuộc binh biến, cả nhà Tây Sơn trốn thoát, chỉ còn công chúa Ngọc Bình ở lại thành. Nàng bị giam lỏng trong cung, sau một thời gian trở thành phi tần của Nguyễn Ánh - vua Gia Long.
Câu chuyện lịch sử thời hậu Lê đặc tả sâu sắc tâm trạng của Ngọc Bình trước cảnh đất nước loạn lạc, dù cái chết cận kề nhưng bà vẫn bình thản đón nhận để giữ tròn đạo vợ chồng. Sự khẳng khái, lòng chung thủy và nghĩa cử vì nước, vì dân đến quên thân mình của Ngọc Bình đã khiến Nguyễn Ánh xiêu lòng, yêu thương phong nàng làm phi.
Trong vai công chúa Ngọc Bình - hoàng hậu của hai vua, NSƯT Quế Trân tạo được dấu ấn thật đẹp trong lòng người xem. Phong cách ca diễn của nữ nghệ sĩ thể hiện độ chín muồi, bản lĩnh đảm nhiệm hoàn hảo một vai diễn tính cách, một nhân vật lịch sử liễu yếu đào tơ, song bên trong nội tâm ngổn ngang, trăn trở, day dứt.
NSƯT Quế Trân cũng từng đảm nhiệm vai diễn Ngọc Hân công chúa trong Tâm sự Ngọc Hân (của tác giả Lê Duy Hạnh), thế nên khi vào vai công chúa Ngọc Bình, Quế Trân có được lợi thế của sự trưởng thành. Cô đào chánh của Chân mệnh đã khéo léo khai thác triệt để chất tự sự, trữ tình, tinh thần kiên trung, nhân hậu của người phụ nữ nước Việt - góp phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn của vở diễn.
Làm cải lương lịch sử - dễ mà khó
Sân khấu hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó vấn đề kịch bản luôn là điều trăn trở của những người làm nghệ thuật. NSƯT Trần Minh Ngọc cho biết: “Điều quan trọng của sân khấu chính là nói được những mâu thuẫn, xung đột, nhưng không nhất thiết phải là mâu thuẫn chính trị, chính sự, mà có thể chỉ là những xung đột từ trong gia đình, trong tình yêu.
Với các vở mang tính lịch sử, vấn đề được đặt ra là làm sao để nội dung tác phẩm sân khấu khi được sáng tác không sai với lịch sử. Trong quá khứ đến nay, gần như tất cả nhân vật lịch sử quan trọng đều được sân khấu xây dựng, dàn dựng hết rồi, nên giờ chọn ai, làm ai luôn cần sự cân nhắc. Đặc biệt, khi dựng tuồng lịch sử, một là nhân vật phải rất gai góc, hai là nhân vật đã có sẵn, dễ làm. Nhưng một khi muốn làm tươi mới nhân vật lịch sử thì người sáng tác tác phẩm phải dựa trên các sự kiện, dữ liệu lịch sử để lý giải một cách có lý, không nên tự suy đoán, làm sai lịch sử. Hoặc là, khi hư cấu thì phải hư cấu nhân vật lịch sử thiệt giỏi, thuyết phục được người xem”.
Với Chân mệnh, tuy vở diễn chưa phải là một tác phẩm thật xuất sắc, nhưng với quá trình làm việc hết mình của một ê kíp những đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ trẻ, nhiệt huyết với nghề, đam mê với nghiệp đã tạo nên một tác phẩm sân khấu đẹp, chất lượng.