Quy hoạch chung là “chung sức”
Bằng chứng cho việc này, chính là sự điều chỉnh liên tục quy hoạch chung của TPHCM để thích nghi với sự thay đổi của bối cảnh xã hội, nhưng phần lớn là “chạy đuổi” theo sau thực tiễn hơn là dự báo và hoạch định khả năng thay đổi theo kịch bản. Đây là một sự thật cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại cách tư duy về quy hoạch chung theo cấu trúc như hiện nay.
Tư duy quy hoạch chung hiện nay đang bàn tất cả vấn đề ở một phạm vi lớn về diện tích nhưng chỉ sơ sài về nội dung, nguyên lý để phục vụ cho đầu tư công và quản lý nhà nước, mà chưa thực sự hướng đến lợi ích “chung” của các thành phần có thể tham gia và thúc đẩy quy hoạch.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì nên hiểu chữ “chung” này theo một hướng khác. Đó là những nhiệm vụ lớn cần sự “chung sức” của khối nhà nước, lẫn tư nhân cùng làm. Cái chung này có tầm chiến lược, cần có sự thu hút đặc biệt riêng về điều kiện để cùng tham gia, cùng thực hiện.
Như vậy, thực chất của đồ án quy hoạch chung chính là quy hoạch các dự án “chiến lược” cần sự chung sức của nhà nước và tư nhân cùng làm. Khái niệm “chung” ở đây không chỉ là sự tổng quát mà nó còn phải rất chi tiết ở những dự án có tính chất ảnh hưởng lớn và trọng điểm, không cần phải đi vào quy hoạch chi tiết để nghiên cứu tiền khả thi hay khả thi mà phải nghiên cứu khả thi ngay ở quy hoạch chung.
Nếu quy hoạch chung chỉ nghiên cứu sơ khởi thì dẫn đến quy hoạch chi tiết có thể không khả thi về quy mô, tính chất, vị trí hay đối tượng, vốn dẫn đến việc phải điều chỉnh lại quy hoạch chung, rất mất thời gian và công sức. Những vấn đề “chung” không phải là những vấn đề cố định mà là những vấn đề quan trọng cần sự góp sức và sẵn sàng có sự điều chỉnh cục bộ ngay ở quy hoạch chung cho phù hợp với thị trường. Đây là vấn đề cần cân nhắc nghiên cứu thứ nhất.
Cần có sự tham gia của khối tư nhân
Một khía cạnh khác, đồ án quy hoạch chung hiện nay quá nặng về số liệu thống kê, hoạch định các giới hạn hành chính, dân số và chỉ tiêu mang tính hành chính phục vụ cho việc quản lý của cơ quan nhà nước mà không có tính hiện thực khả thi cao về mặt xây dựng, về mặt thị trường và kêu gọi đầu tư.
Muốn thực hiện các việc “lớn” thì phải xác định những nguồn lực lớn, trong khi ngân sách hạn hẹp và khó khăn, thì quy hoạch chung chính là nền tảng cho việc hợp tác thực hiện các dự án này. Các dự án lớn thường đòi hỏi nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường, tiềm lực tài chính và quản trị tốt, như vậy mới đem lại sự hiệu quả.
Riêng việc này thì khối tư nhân có ưu điểm và có tầm nhìn chiến lược cụ thể, khả thi hơn với các khối quản lý của nhà nước. Cho nên, quy hoạch chung phải tạo ra bằng được cơ chế cho khối tư nhân phát huy được giá trị của mình.
Hay nói một cách dễ hiểu và dễ thực thi hơn, quy hoạch chung có một phần các quy hoạch chi tiết dự án trọng điểm của các khối tư nhân cùng tham gia vào, có lồng ghép vào đó sự tham gia, quản lý và định hướng một phần của nhà nước.
Cá nhân tôi cho rằng các tham số như ranh giới hành chính, dân số, chỉ tiêu và định hướng phát triển về vùng nào, hướng nào đều nên chỉ là các số liệu tham khảo, bản chất các số liệu này không phản ánh chính xác nhu cầu và tiềm lực hiện có của đô thị. Không nên có những mong muốn trở thành cái này, cái nọ, những mục tiêu nghe rất cao xa, những từ ngữ và văn phong trừu tượng mà thực tiễn thì không có xây dựng phương cách nào để đạt được.
Chính sự trói buộc của những quan điểm, tầm nhìn như vậy ở quy hoạch chung làm cho đồ án trở lên mông lung, khó khả thi. Hãy để các khía cạnh cụ thể đó có thể đạt được hay không, có thể làm được hay không, có thể hiểu được hay không? Thông qua các dự án chiến lược và sứ mạng, mục tiêu cho từng lực lượng tham gia vào việc quy hoạch chung.
Khối tư nhân họ có cách của họ, khối quản lý nhà nước cũng có khung của họ, khối người dân, cộng đồng cũng có tiếng nói của họ. Quy hoạch chung thực chất là một ngôn ngữ, ai cũng hiểu được và ai cũng có thể góp phần thực thi theo khả năng và nguyện vọng của mình.
Cho nên, rất cần sự chuyển hóa đồ án và thuyết minh đồ án quy hoạch chung thành các phương tiện hình ảnh, câu hỏi, chương trình học tập và câu chuyện dành cho cộng đồng, cách làm này đưa các khái niệm có vẻ chuyên nghành, mơ hồ vào sâu hơn trong cuộc sống đa lĩnh vực, ngành nghề của xã hội để làm sao tất cả những thành phần này dù không chuyên thì vẫn có thể hiểu được, có thể tham gia góp phần thực thi, góp ý và giám sát ở cấp độ tổng quát nhất.
Đây là một quá trình thực sự cần có sự “đầu tư” để tạo ra một công cụ truyền thông hiệu quả hơn cho đồ án quy hoạch chung. Những vấn đề quan trọng cần sự góp sức của cộng đồng, thì nên tạo ra điều kiện để cộng đồng hiểu và đóng góp, đó thực sự là một cách làm hiệu quả với TPHCM vào lúc này. Đây là vấn đề thứ hai cần phải lưu tâm trong quá trình truyền thông và tiếp nhận góp ý.
Động lực từ những dự án lớn
Trong khuôn khổ đề xuất này, tôi xin nêu ra một số cách thức tiếp cận “chiến lược” của quy hoạch chung cho TPHCM thông qua các dự án trọng điểm (Key projects).
Theo quan điểm của tôi, sự phát triển của các nhân tố dự án, tuy tưởng là có tính chất cục bộ nhưng lại có tính động lực là cực kỳ quan trọng, nó có tác dụng lan tỏa sự phát triển và tạo ra các ảnh hưởng nhất định đến các vùng còn lại của khu vực trong phạm vi.
Cách làm quy hoạch từ dưới lên như vậy sẽ phù hợp với năng lực của các nhà đầu tư, do họ tính toán được rất cụ thể hiệu quả của quá trình thực hiện, chính sách và cách thức hợp tác mà vì thế tính khả thi thường sẽ cao hơn.
Mặt khác, khối nhà nước đóng vai trò tạo ra dự án động lực nhưng chỉ cần tham gia một phần ở công tác quản lý, định hướng và kết nối nhiều hơn là công tác thực hiện dự án với vốn ngân sách 100%. Nó giúp cho khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ đoàn kết hơn, chung tay hơn trong việc thực hiện các dự án quy hoạch chung và đồng thời chính họ sẽ là những nhân tố tương lai hỗ trợ việc giám sát, cải tiến và thúc đẩy quá trình điều chỉnh quy hoạch chung một cách chủ động thích ứng với thị trường và sự phát triển nhất.
Trong ý tưởng này, tôi đề xuất TPHCM nên có chủ trương giao cho các hiệp hội chuyên ngành, các tổ chức và đoàn thể đa ngành và doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng, chủ động nghiên cứu phát triển các dự án riêng của họ một cách cởi mở, tự do và không nên bị giới hạn bởi bất cứ một quan điểm áp đặt nào cả.
Nhà nước tìm cách chia sẻ những quan điểm này với họ một cách thường xuyên hơn và cập nhật kịp thời với thị trường hơn, nhiệm vụ quy hoạch chung là một công cụ để “thương thuyết” nhằm đạt được mục đích của các bên hơn là một công cụ chỉ thuần túy phục vụ cho các mệnh lệnh, ý định chủ quan trong quá trình hoạch định sự phát triển.
Đây cũng là một trong những khía cạnh “dân chủ” mở để tạo điều kiện cho sự năng động, sáng tạo của khu vực tư nhân được phát huy tốt nhất trong vùng TPHCM, nâng tầm uy thế sự cởi mở và trân trọng đóng góp của mọi đối tượng nghành nghề, đó cũng là một thương hiệu đặc sắc của TPHCM trong cả nước.