Nằm sâu trong con hẻm nhỏ có khoảng 20 nóc nhà nhưng hơn một nửa trong số đó có người nghiện ma túy. Hầu hết các đối tượng nghiện là thanh niên, những trụ cột của gia đình. Và “cái chết trắng” đã làm bao gia đình rơi vào ngõ cụt như chính con hẻm không có lối ra này.
Bệnh dịch...
Con hẻm K94/12 đường Hoàng Diệu (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhỏ xíu, chỉ đủ lọt một chiếc xe máy chạy vào. Bên trong chứa những ngôi nhà lụp sụp, thấp lè tè không khác gì những ngôi nhà chồ của cư dân sống ven sông Hàn trước đây. Vừa bước vào con hẻm mùi than tổ ong khét lẹt xộc vào mũi, khói bay mù mịt. Tiếng trẻ con khóc thét, tiếng người già ơi ới gọi nhau làm vang cả con hẻm nhỏ.
Theo chân T., một con nghiện có thâm niên hơn chục năm, chúng tôi e dè từng bước chân vào sâu bên trong con hẻm. T. dẫn chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ xíu của bà Xí khi bà vừa bồng đứa cháu nội chừng 2 tuổi, vừa lượm lặt bó rau để chuẩn bị buổi trưa.
Bà Xí cho biết, thằng nhỏ này là cháu nội của bà, con thằng con trai lớn đang cai nghiện ở Trung tâm 05-06. Ngày thằng nhỏ ra đời, mẹ nó buồn rầu vì người chồng nghiện ngập đã vứt lại đứa con đỏ hỏn bỏ đi biệt xứ. Thế là bà phải vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm bà. Ôm thằng nhỏ, bà Xí không làm được việc gì để kiếm tiền, cuộc sống hai bà cháu thật sự rơi vào cảnh khốn khó trăm bề. Những ngày này, tranh thủ những lúc thằng nhỏ ngủ, có ai mang đồ tới bà giặt thuê kiếm chút tiền cơm cháo qua ngày. Không phải bà không có người thân, nhưng đứa con gái đã lấy chồng ra ở riêng, lại gặp người chồng đang mang bệnh nặng nên chẳng giúp được gì. Thằng con thứ 2 cũng theo “vết đổ” của người anh lâm vào con đường nghiện ngập. Bây giờ dặt dẹo nơi nào không rõ.
Nằm chéo góc với nhà bà Xí, bà Lộc cũng có 2 thằng con trai đã ngoài 30 tuổi. Thế nhưng, công đức sinh thành chẳng được chúng báo đáp mà còn gây cho bà không biết bao ưu phiền. Cũng như bà Xí, 2 đứa con trai bà đều rơi vào cơn lốc ma túy. Để bây giờ thằng lớn đang ngồi “bóc lịch” trong tù vì tội buôn bán ma túy, thằng nhỏ cũng đang nghiện. Bao nhiêu vật dụng trong gia đình đều bị 2 đứa con mang đi bán, lấy tiền mua “cái chết trắng” khiến căn nhà đã lụp sụp càng thêm vắng tanh đến lạnh người.
Theo T., tình trạng thanh niên trong con hẻm sa vào con đường nghiện ngập khoảng chục năm trở lại đây. “Ban đầu chỉ có thằng B. và H. nghiện; dần dần đám thanh niên trong xóm bị lôi kéo theo thế là nghiện cả đám. Đến giờ, hầu như đứa nào trong xóm cũng đã thử qua ma túy. Một số đứa do gia đình phát hiện kịp thời nên ngăn chặn được, còn lại ít ra cũng có thâm niên 4-5 năm “chơi hàng trắng” - T. cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong con hẻm này cách đây không lâu đã xảy ra trường hợp sốc ma túy bị chết. Để che đậy, các đối tượng dùng thuốc chung với nạn nhân đưa xác nạn nhân đi nơi khác và thông báo với cơ quan chức năng là bị tai nạn. Ngoài ra, còn 1 đối tượng nghiện khác mắc bệnh AIDS đã bỏ đi biệt xứ. Bà Huỳnh Thị Hồng Hoa, cán bộ chuyên trách tệ nạn xã hội phường Phước Ninh, thừa nhận: Tình trạng sử dụng ma túy trong con hẻm K94/12 (tổ 68) phức tạp nhất trên địa bàn. Việc sử dụng ma túy ở đây như “bệnh dịch” vậy, lây lan kinh khủng.
Nỗi lòng người thoát khỏi “nàng tiên nâu”
Cũng như bao thanh niên trong con hẻm nhỏ này, Nguyễn Công Sơn (SN 1979) rơi vào con đường nghiện ngập bao giờ không hay sau những lần “đi bay” cùng bạn bè. Sơn nhớ lại: “Lúc đó em có biết gì. Nghỉ học sớm, lại không có việc làm nên theo mấy đứa trong xóm la cà hết chỗ này đến chỗ khác. Lúc đầu, chỉ có một thằng trong nhóm nghiện, mỗi khi nó hút cứ cho mấy đứa thử. Thử rồi nghiện lúc nào không hay. Về sau, để thỏa mãn cơn nghiện không có con đường nào khác phải đi cướp giật. Trong một lần cùng đồng bọn đi giật dây chuyền bị công an bắt. Em bị phạt tù và đưa đi cai nghiện”. Sau nhiều năm trả giá, năm 2005, Sơn trở về nhà và quyết tâm làm lại cuộc đời. “Phải có việc làm, nếu long nhong trước sau gì cũng “dính” lại con đường nghiện. Chính vì thế, vừa ra trại em xin đi làm nghề sơn nước ngay. Có việc làm tương đối ổn định cộng với quyết tâm nên đến nay em không chỉ từ bỏ được ma túy mà còn trở thành thành viên trong Câu lạc bộ giúp đỡ những người lầm lỗi như em” - Sơn chia sẻ.
Thế nhưng, với Sơn lúc nào cũng hiện hữu nỗi lo. Lo là vẫn sống giữa cái nơi ma túy tiếp tục xô ngã bao gia đình hàng xóm; lo cho con cái lại sa theo vết lầy của cha nó khi lớn lên ngay trong con hẻm nhỏ này. “Có được công ăn việc làm và chỗ ở ổn định, em tin chắc rằng sẽ không có việc tái nghiện. Không những thế, điều này cũng sẽ giúp chúng em có điều kiện đóng góp nhiều hơn trong việc cảm hóa các đối tượng nghiện bằng những kinh nghiệm của mình” - Sơn tâm sự.
Đà Nẵng được xem là địa phương làm tốt công tác phòng, chống ma túy. Thế nhưng, đâu đó trên địa bàn vẫn còn những “góc khuất” như con hẻm nhỏ K94/12 đường Hoàng Diệu. Vì vậy, hỗ trợ kịp thời những đối tượng sau cai để những việc làm này trở thành “liều thuốc mạnh” triệt tiêu những con “virus” ma túy đang ngày đêm chờ chực lây lan ra cộng đồng xã hội.
| |
NGUYỄN HÙNG