Cảm giác mình như người có lỗi khi đã khơi lên nỗi buồn mà những người phụ nữ ấy cố nén xuống cứ bám riết lấy tôi…
Cảnh đời đơn côi
Lâm trường Mai Sơn ở xã Trường Sơn huyện Lục Nam (Bắc Giang) hiện đang là đơn vị có nhiều nữ công nhân chưa lập gia đình. Cả lâm trường có 19 nữ – chiếm một nửa trong tổng số công nhân nữ – chưa lập gia đình. Vậy nhưng phần lớn những người phụ nữ này đều đã có con – con ngoài giá thú. Các chị đều đã ở cái tuổi 40 – 50 đến với lâm trường từ nhiều nơi khác nhau. Thời bao cấp, nhiều thanh niên miền xuôi nô nức lên Bắc Giang làm công nhân lâm trường.
Tuổi xuân trôi qua nơi rừng sâu, núi cao. Mấy năm gần đây, lâm trường giao khoán việc trồng và chăm sóc rừng cho công nhân, các chị cũng được lâm trường cắm cho một miếng đất, rồi mỗi chị cóp nhặt vài triệu đồng làm một căn nhà nhỏ. Nhiều chị mấy chục năm đi làm vẫn chỉ có hai bàn tay trắng, vẫn ở nhà tập thể và vẫn cô đơn. Đứa con không có bố, với các chị, là sự chấp nhận tiếng đời dị nghị để mưu cầu chút hạnh phúc lúc tuổi già.
Ở Mai Sơn, những nếp nhà nhỏ chỉ có một mẹ, một con thường nằm sâu trong rừng, xung quanh chỉ có cây rừng tĩnh mịch. Những mái nhà này, lâu lắm, mới có một người đi rừng ghé qua. Phụ nữ ở nơi khác đến, dù bản lĩnh đến đâu cũng có cảm giác đơn độc và sợ hãi khi nhìn thấy cảnh này. Thế mà các nữ công nhân lỡ thì của Lâm trường Mai Sơn đã sống ở đây trong suốt bao nhiêu năm.
Một buổi chiều chạng vạng cách đây chưa lâu, chị Hoa ở đội Hoàn Hồ thuộc Lâm trường Mai Sơn kể cho tôi nghe về cuộc đời của chị: “20 tuổi, tôi rời quê lên đây làm công nhân lâm trường. Những năm tháng tuổi xuân qua đi nhanh chóng. Cô thấy đấy, ở nơi xa xôi, heo hút thế này làm gì có ai ngoài công nhân với dân địa phương. Nhưng đâu có phải cứ công nhân với nhau là thành đôi?
Còn trai bản ở đây thì xem chừng khó hợp vì những khác biệt về trình độ, tập quán… Con gái lâm trường sinh ra ế. Năm 32 tuổi, tôi mới có bầu cháu Mai. Cũng gian nan lắm cô ơi! Khi cái thai được 3 tháng, tôi thông báo cho người ấy – cũng là công nhân lâm trường. “Người ta” kiên quyết bắt tôi phải phá thai vì “người ta” đã có vợ con ở quê rồi, chỉ quan hệ với tôi để lấp chỗ trống trong lúc xa nhà. Nhưng tôi đâu có cần gì hơn, tôi chỉ muốn có một đứa con.
Cuộc sống khó khăn nên suốt thời gian mang thai, tôi không có gì bồi dưỡng, cháu Mai bị suy dinh dưỡng từ bé, nay cũng hay ốm đau, bệnh tật lắm. Nhà chỉ có một mẹ, một con, lỡ cháu có bị làm sao tôi cũng không sống nổi! Con bé suốt ngày bị tôi tha đi làm, vì ở đây không có nhà trẻ. Con ngồi ở một góc đồi, mẹ thì cuốc đất, trồng cây, phát cỏ. Giờ cháu đã được gần 10 tuổi rồi. Ai hỏi cháu bố đâu cháu đều nói: Bố chết rồi!…”.
Nỗi lo sợ của chị Hoa không phải vô cớ. Sống một mình giữa chốn núi rừng, nơi mà muốn đến được bệnh viện gần nhất cũng phải mất cả ngày đường, không lo sao được? Thế nhưng xem ra còn có cái để mà lo như chị Hoa là còn may mắn. Ở Mai Sơn này, còn có một số chị không có được cả thứ hạnh phúc rất bình dị mà cũng rất lớn lao của người phụ nữ: được làm mẹ!
Chị Tuyến, ngoài 50 tuổi, ở đội Nước Vàng là một trong những phụ nữ đó. Căn phòng tập thể chị mua lại của lâm trường chưa đầy 10m2 nhưng vẫn thấy chống chếnh vì thiếu hơi ấm của người đàn ông và tiếng cười nói của con trẻ. Chị giãi bày: “Cả cuộc đời mình ươm trồng được bao nhiêu là cây rừng, thế mà lại không có riêng được cho mình một mầm sống để nuôi dưỡng, chăm sóc. Giờ chỉ còn biết lấy công việc làm vui”.
Ở Mai Sơn, lãnh đạo lâm trường đã đưa ra quy định: nếu công nhân nữ không có chồng mà có con, lâm trường vẫn cấp 800.000đ để làm nhà. Thời gian qua, quy định này đã được áp dụng với nhiều chị trong lâm trường. Những sự giúp đỡ như vậy - với các chị - thật rất quý!
Giám đốc lâm trường, ông Dương Văn Trì, nói: “Những đứa trẻ không có bố đã lần lượt ra đời ở đây. Ban Giám đốc, cán bộ, công nhân lâm trường đều không cần biết bố đứa trẻ là ai, vì chúng tôi tôn trọng quyền được làm mẹ của các nữ công nhân. Dù có bố hay không thì đứa trẻ ấy vẫn là một công dân và đòi hỏi được yêu thương, chăm sóc. Chúng tôi chỉ khuyên chị em cố làm sao nuôi dạy chúng cho tốt. Cũng là một con người, trong sâu xa, chúng tôi hiểu đó là chút hạnh phúc cuối cùng, là cái nền để chị em sống và làm việc tốt hơn”.
Nhìn về tương lai
Chuyện nghe kể thì buồn, nhưng với các chị, phút u hoài qua nhanh lắm. Tất cả các chị đều rất hạnh phúc và tự hào khi nói về đứa con yêu của mình. Chị nào cũng khoe: “Cháu ngoan lắm! Rất thương mẹ và biết vâng lời!”. Quả thật, các trẻ ở đây tuy mới 5 – 6 tuổi mà đã biết giúp mẹ làm việc nhà. Lớn hơn một chút chúng đã ra rừng giúp mẹ trồng và chăm sóc rừng. Dường như nhận ra hoàn cảnh đặc biệt của mình nên những đứa trẻ ở đây ít ham chơi và cũng nhiều suy tư hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác.
Chị Mừng ở đội Nước Vàng say sưa kể: “Một buổi tôi đi làm về, thấy con mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại. Cu cậu khoe: “Con nấu cơm được rồi mẹ ạ!”. Tôi thấy lạ lắm! Vì cháu còn quá nhỏ – mới 5 tuổi – nên tôi chưa dạy và cũng chưa muốn cháu phải làm như thế – tội lắm. Thế mà bữa đó cháu đã nấu được bữa cơm, cơm canh đâu ra đấy. Thì ra từ trước cu cậu đã nhiều lần nhìn mẹ làm, rồi bắt chước làm theo. Nghĩ vừa mừng, lại vừa thương con đứt ruột!”.
Cuộc sống đã thế nên việc học của những đứa trẻ ở đây rất vất vả. Đường đến trường rất xa, lại gập ghềnh và phải lội qua nhiều khe, suối. Bé Lan con chị Hiệp mới ở tuổi mẫu giáo mà phải đi tới 5km mới đến được lớp. Ngày nào chị Hiệp cũng đưa con đến lớp, lúc tan học thì cháu tự về với bạn. Hôm nào trời mưa to thì cháu phải nghỉ học, vì lũ về không đi được. Nếu có thể học lên bậc học cao hơn, bé Lan sẽ còn phải vượt qua đoạn đường dài và hiểm nguy gấp 2 – 3 lần như thế.
Nghĩ đến con, những người phụ nữ ở Mai Sơn có thể gắng gượng sống và nỗ lực vượt qua tất cả khó khăn. Họ gửi gắm vào đứa con của mình bao nhiêu là ước vọng và nhất là mong cho con không phải trải qua một cuộc đời gian truân, lận đận như mẹ nó. Chỉ mong sao qua bài viết này, sức lay động của nó chạm được đến chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể ở Lục Nam. Hãy vì tương lai của các em vốn đã bất hạnh này.
HOÀNG ANH