Góc khuất: ân cần những lời bỏ quên

Sống quá tuổi 80, nếu còn khỏe mạnh và minh mẫn, đã vô cùng đáng quý, vậy mà nhà thơ Trần Duy Hiển vẫn có thể tự chạy xe máy đi giao lưu với bạn bè mỗi ngày. Bất ngờ hơn, cái bóng nhỏ gầy của ông vẫn thao thức với vần điệu mỗi đêm. Tập thơ Góc khuất do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, là kết quả thật khó tin của thi sĩ “lão mà chưa an”.

Nếu không biết lai lịch tác giả thì khi đọc tập thơ Góc khuất, không thể hình dung tác phẩm này lại của một cụ già. Từ ngôn ngữ cho đến ý tứ đều cựa quậy không ngừng trong mỗi câu thơ, trong mỗi bài thơ. Nói đúng hơn, Góc khuất của nhà thơ Trần Duy Hiển là một “góc” không chịu “khuất”, cứ dạt dào mong ngóng, cứ khắc khoải âu lo, cứ bịn rịn xa vắng.

Góc khuất: ân cần những lời bỏ quên ảnh 1
Các bậc cao niên chủ yếu nương tựa vào ký ức, để nâng niu miền hoài niệm riêng mình. Nhà thơ Trần Duy Hiển cũng mang thân phận tha hương. Mảnh đất Kim Sơn - Ninh Bình ám ảnh từng giấc mơ của ông. Mỗi nhịp khua chèo trên dòng sông Ân hiền hòa hay mỗi hồi chuông ngân vọng từ nhà thờ Phát Diệm, cũng trở thành âm thanh miên man khơi dậy một vùng cảm xúc bất tận, dẫu ông biết rằng: “Giờ chỉ còn mùa thu cũ với rong rêu”.

Trong thơ Trần Duy Hiển, hai đặc điểm nổi bật của người già là sự cô đơn và sự ân cần hòa lẫn. Người già cô đơn trước chen lấn danh lợi và người già ân cần trước long đong mệnh kiếp. Nhà thơ Trần Duy Hiển tự thú: “Ta lẻ loi/Như chiều rơi ngõ vắng”, nhưng ông không lẩn tránh nhân tình thế thái. Ông chọn chỗ ít ồn ào để chiêm nghiệm, để tự vấn, để không buông bỏ bản thân, để kiên trì cùng lẽ phải nhân văn và lương thiện: “Một mình ngồi tại nhà mình/Nhấp ly rượu đắng thấy thành thật hơn/Thì ra gian dối mỏi mòn/Để người đi đứng lom khom một đời”.

Thơ tình của Trần Duy Hiển có phải chỉ để gửi gió trăng lãng đãng cuối trời không? Không, những tháng ngày đã nếm trải, những con đường đã bước qua, những ngọt lạt đã chịu đựng, đủ để ông nhận diện đầy đủ dông bão chực chờ bên ngoài trái tim mong manh: “Có thể một ngày/Lòng tốt không còn sạch sẽ/Tình yêu cũng đầy vơi theo giá cả thị trường”. Thơ tình của Trần Duy Hiển không vẩn vơ vô cớ, cũng không lả lơi giả vờ, nên nỗi tương tư có địa chỉ đã giúp cái sâu nặng ơn nghĩa lan tỏa sang người khác: “Ta rụng vì nhau như lá trước sân/Ta đánh vỡ những chiều thu hơi sớm/Để bây giờ héo úa cả thời gian”.

Một điều làm cho đồng nghiệp và công chúng phải khâm phục nhà thơ bát thập đắc hi hỉ Trần Duy Hiển, chính là ông không thỏa hiệp với những sự dễ dãi và những sự hời hợt trong sáng tạo thi ca. Ông “đắc hi hỉ” không phải để cười ngại ngùng hoặc cười bông phèng, mà ông luôn cười thấu hiểu và cười sẻ chia. Ông tìm tòi ở mỗi “góc khuất” để vụt thoát không gian cũ kỹ và tù đọng kỷ niệm giăng mắc: “Ta gom lại những vuông tròn thời thơ dại/Trái mơ non chua chát cả trong mơ”.

Tin cùng chuyên mục