Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG dẫn chứng số liệu thống kê từ World Data lịch sử khách quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á (từ năm 2008 đến năm 2019), thì số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hàng năm vượt qua Indonesia để vươn lên top 4, nhưng mức doanh thu bình quân trên 1 khách lại sụt giảm chỉ đứng vị trí thứ 6. Nếu so với Thái Lan, tốc độ tăng trưởng của họ tương đương Việt Nam, nhưng lượng khách quốc tế đến nước ta chỉ bằng 50% Thái Lan và mức độ chi tiêu của khách chỉ bằng 40%. Thêm nữa, với các quốc gia khác như Philippines, Singapore Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì tổng mức chi tiêu của du khách ở Việt Nam cũng thấp.
Hội thảo ngày 10-3 |
Để thu hút khách hiệu quả, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất mở rộng thêm các quốc gia đưa vào danh sách miễn thị thực, tăng thời gian miễn thị thực cho du khách điển hình các nước châu Âu; nâng cao năng lực hạ tầng vận chuyển; phát triển mô hình du lịch sức khỏe, các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí; nâng cao trải nghiệm của du khách thông qua các ứng dụng công nghệ, các công trình công cộng…
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch chỉ ra rằng, cần tăng số nước miễn visa đơn phương. Ví dụ, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở tương đương Thái Lan, đồng thời nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 đến 45 ngày để du khách vào ra nhiều lần. Do chính sách visa chưa hấp dẫn nên khách vào Việt Nam rồi qua nước khác để du lịch và về luôn chứ không quay lại Việt Nam. Nếu không có chính sách này, sân bay Long Thành trong tương lai khó thực hiện việc trung chuyển. Hoặc đối với các nước thành viên EU, Việt Nam nên miễn visa cho họ, bởi đây là dòng khách văn minh, thân thiện… Đồng thời, kéo dài thời hạn những chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để các doanh nghiệp du lịch có thời gian xây dựng sản phẩm, tiếp thị đến khách hàng tiềm năng, giữ chân khách quay trở lại nhiều lần.
Khách tàu biển quốc tế tìm hiểu về cách làm hoa từ lá dừa tại Làng Du lịch Bình Quới đầu tháng 3-2023 |
Ông Nam cũng lưu ý, việc mở rộng các nước được cấp E-visa (thị thực điện tử), nâng cấp hệ thống E-visa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách nhằm cạnh tranh với các nước; đồng thời xem đây là công cụ cạnh tranh thu hút du khách quốc tế của nước ta.
Góp ý thêm tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho rằng các đối tác, khách quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, thu nhập sau dịch Covid-19. Do vậy họ quan tâm nhiều đến các loại hình dịch vụ có mức giá tốt, tiết kiệm. Theo đó, ngành du lịch cần thống nhất, đưa ra mức giá phải chăng để hút khách; các địa phương nên có phương án nghiên cứu cụ thể về việc quản lý giá dịch vụ phục vụ du lịch. Đồng thời ông Kỳ đề xuất Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng sửa luật, ban hành chính sách cởi mở về visa.
Cùng quan điểm trên, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối inbound Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cũng nhìn nhận lượng khách đi lẻ đóng góp rất lớn cho doanh thu du lịch. Ngoài khách đi lẻ, Lữ hành Saigontourist cũng có những đoàn khách lớn như khách MICE, khách tàu biển… Tuy vậy, việc cấp E-visa vẫn gặp phải một số hạn chế nhất định như không được gia hạn, thứ nữa E-visa không được xuất cảnh nhiều lần. Đặc thù công ty bán tour không chỉ cho Việt Nam mà các nước (Lào, Campuchia…) giống đường bay của hãng hàng không, nên Saigontourist kiến nghị được mở rộng cho khách xuất nhập cảnh nhiều lần; rút ngắn thời gian cấp visa cho khách, nhất là các trường hợp khách cần lấy trong ngày (thay vì theo quy định cấp visa từ 3-5 ngày)...
Khách quốc tế chụp ảnh ông đồ tại TPHCM đầu tháng 3 |
Ở góc độ cơ quan chuyên môn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đánh giá, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có tính đặc trưng liên ngành, liên vùng. Tại TPHCM, ngành du lịch phục hồi đã đóng góp rõ nét vào kinh tế của thành phố. Tuy vậy có sự phục hồi không đồng đều giữa khách nội địa và quốc tế, điều này khiến cho các nhà hàng, khách sạn vẫn khó khăn. Theo bà Hoa, vấn đề visa chỉ là một phần trong sự phát triển du lịch bền vững, nhưng vẫn cần có sự rà soát, hoàn thiện lại từ trang web, giao dịch, tên miền và thời gian giải quyết visa điện tử.
“Visa là nút mở đầu tiên để khuyến khích, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển. Chúng tôi mong Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quan tâm hơn nữa trong việc tham mưu Chính phủ để có chính sách tháo gỡ về visa. Đồng thời mong có giải pháp liên hoàn thúc đẩy cho hệ sinh thái du lịch phục hồi tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định sự đóng góp của ngành du lịch cho kinh tế thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung rất lớn. Việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cần nhiều yếu tố, trong đó visa là một trong những khâu cần “gỡ vướng”. Ngành du lịch cần hoàn thiện mình với những cải tiến tích cực (tăng chất lượng dịch vụ, tăng chi tiêu của khách, giảm giá thành…), mở rộng các đối tượng miễn visa, cấp visa nhiều lần… Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cấp E-visa cho khách, tập trung thu hút dòng khách chi tiêu cao…