Xe lấy rác xả rác
Khi trở về sau chuyến du lịch Nhật Bản với phương thức lưu trú tại nhà dân, em Phương Chi (học sinh lớp 12 Trường PTTH Trưng Vương, quận 1) nằng nặc đòi gia đình phải mua thêm một thùng rác để phân loại rác tại nguồn.
Phương Chi kể: “Ở Nhật Bản, từ nông thôn đến thành thị, người dân đều thực hiện rất nghiêm việc phân loại rác tại nguồn. Việc làm này thực sự văn minh, giúp tận dụng và giảm thải rác nhựa ra môi trường, thiết thực giúp công nhân vệ sinh trong việc phân loại, xử lý rác”.
Đây không phải chuyện mới, tại TPHCM nhiều người dân đã hiểu và có ý thức phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Một số chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và trên nhiều đường phố đã có đặt 2 thùng rác để cư dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn chỉ có ý nghĩa khi xe lấy rác bố trí 2 thùng đựng rác thải để tiếp nhận theo phân loại, trong khi đến nay gần như xe lấy rác vẫn chưa được nâng cấp, chuyển đổi. Hầu hết là xe đẩy tay hay xe máy kéo theo thùng đựng rác không nắp đậy. Rác vun đầy, nước rỉ chảy đầy đường, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Dù các hộ dân chấp hành phân loại rác, nhưng xe lấy rác lại nhập chung vào một thùng.
Bà Nguyễn Thanh Hoa (ở hẻm 126 đường Lê Thánh Tôn, quận 1) than rằng: “Hẻm nhỏ, mỗi khi xe lấy rác dân lập vào là chiếm gần hết lối đi. Đã vậy, người lấy rác còn dừng xe lâu để xổ các bao đựng rác của dân ra tìm lon bia, thùng giấy… Nước rác rỉ tràn lan, bốc mùi hôi nồng nặc. Thực sự chúng tôi rất chia sẻ nỗi khổ cực của công nhân lấy rác, nhưng cách làm như lâu nay đã lạc hậu; cần cải tiến để có thùng chứa rác kín đáo, đủ ngăn phân loại rác để công nhân bớt nhọc nhằn và hạn chế gây ô nhiễm khu dân cư”.
Ông Vũ Đức Chương, cán bộ Công ty Điện lực Tân Phú, nhận xét: “Đô thị đã ô nhiễm vì khói bụi, thêm xe lấy rác dân lập lạc hậu, càng gây thêm ô nhiễm. Tại các chung cư xây dựng trước đây, không có ống dẫn rác từ tầng lầu xuống; do vậy nhân công phải đến từng căn hộ lấy rác, rồi đi thang bộ đưa xuống. Vậy là cầu thang chung cư tràn lan nước thải. Với cách lấy rác lạc hậu, các hộ dân có muốn phân loại rác tại nguồn cũng vô ích”.
Không nên kéo dài
Mới đây, tại cuộc hội thảo chuyên đề “Công tác thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt tại các hộ gia đình - thực trạng và giải pháp”, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Đến nay toàn TP chỉ mới chuyển đổi được 100/tổng số 1.700 phương tiện lấy rác. Chúng tôi chỉ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật chung, mẫu xe như thế nào để các quận huyện lựa chọn mẫu phù hợp với khu vực của mình. UBND TPHCM đã chấp thuận cấp bổ sung kinh phí cho Quỹ bảo vệ môi trường. Đây sẽ là nguồn phục vụ cho vay, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện. Thời gian cho vay đã nâng từ 5 năm lên 7 năm. Giá trị cho vay là 70%. Tuy nhiên, các địa phương đề xuất 80%. Vấn đề này đang được xem xét”.
Việc trang bị xe lấy rác 2 thùng vẫn là niềm khát khao của công nhân lấy rác dân lập, song cũng khó thực hiện ngay được. Ông Nguyễn Văn Minh (công nhân lấy rác ở khu vực chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Chúng tôi cũng ý thức hạn chế rác vương vãi và nước rác rỉ, nên cứ vài tháng lại hàn thùng đựng rác với chi phí không ít. Tuy nhiên, phương tiện lạc hậu nên khó tránh gây ô nhiễm khu dân cư. Mong bà con hỗ trợ chúng tôi bằng cách đựng rác đầu tôm, đuôi cá, cơm thừa, canh cặn trong bao kín, lành lặn. Cách đây mấy tuần, Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh cũng tổ chức cuộc họp bàn về việc chuyển đổi xe rác đạt chuẩn môi trường. Ai nấy đều mừng nhưng chưa hết băn khoăn. Nếu chuyển sang sử dụng xe 4 bánh lấy rác thì phải đi học lấy bằng lái ô tô. Còn sử dụng xe 3 bánh theo mẫu thì giá cũng quá cao, chúng tôi khó có khả năng trả nợ vay”.
Để việc chuyển đổi xe lấy rác có chuyển biến tích cực trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm tháo gỡ các vướng mắc còn lại.