Đảm bảo kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm
Theo Bộ GD-ĐT, sau 3 năm thực hiện Nghị định 116 (áp dụng từ năm học 2021-2022), nhiều chính sách mới được thực hiện, như sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt; giao trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm…
Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc: các địa phương cam kết đặt hàng nhưng không thực hiện, dẫn đến chậm chi trả kinh phí; quy định đấu thầu đào tạo giáo viên chưa có hướng dẫn cụ thể; hàng ngàn sinh viên chậm nhận được chi trả sinh hoạt phí (3,63 triệu đồng/tháng) từ 1 đến 3 năm; việc đào tạo sinh viên sư phạm và việc tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường vào ngành giáo dục chưa đồng bộ; việc theo dõi bồi hoàn kinh phí chưa có hướng dẫn chi tiết...

Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định 60 điều chỉnh quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm khác.
Theo Bộ GD-ĐT, với quy định này, các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập.
Bên cạnh đó, Nghị định 60 bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm các bên liên quan như Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh, cơ sở đào tạo giáo viên, người học... trong việc thực hiện chính sách. Đặc biệt là việc làm rõ trách nhiệm đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Cụ thể, Nghị định 60 bổ sung quy định: kinh phí thực hiện chính sách được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp quản lý hiện hành; ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện chính sách theo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền ban hành áp dụng cho từng thời kỳ (quy định này nhằm khắc phục tình trạng một số địa phương không cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm)...
Cơ sở đào tạo, người học phấn khởi
Thực tế cho thấy, trong 3 năm thực hiện Nghị định 116, tình trạng chậm chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên khá phổ biến. Cụ thể như cuối năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có hơn 3.900 sinh viên sư phạm chưa nhận tiền hỗ trợ sinh hoạt phí, Trường ĐH Sài Gòn có gần 1.600 sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116 nhưng chỉ có 34 sinh viên được tỉnh Long An, tỉnh Ninh Thuận chi trả theo đặt hàng, số còn lại mới được giải quyết vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Với Nghị định 60, đại diện nhiều trường cho rằng tình trạng chậm chi trả sinh hoạt phí sẽ không tái diễn.
Theo một lãnh đạo Trường ĐH Sài Gòn, trước đây, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ địa phương khác đến học không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước vì kinh phí địa phương nào thì chỉ dùng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó, không chi cho các đối tượng ngoài địa phương.
Cùng với đó, hàng năm Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GD-ĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo. Tuy nhiên, Nghị định 60 gỡ vướng bằng cách quy định rõ ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách.
Từ đó đảm bảo tất cả sinh viên sư phạm trên cả nước đều được hưởng chính sách hỗ trợ đúng thời gian quy định, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn để hoàn thành chương trình đào tạo.
Theo nhiều sinh viên sư phạm trúng tuyển khóa 2021-2025 của Trường ĐH Sài Gòn, đầu tháng 1-2025 nhà trường thực hiện chi trả số tiền 127,05 triệu đồng (tiền sinh hoạt phí 35 tháng).
“Chúng em rất vui mừng khi nhận được khoản tiền này sau nhiều năm chờ đợi. Hy vọng rằng với Nghị định 60, những tháng còn lại và với những sinh viên sư phạm khóa sau sẽ nhận được số tiền 3,63 triệu đồng/tháng để chúng em đỡ lo phần nào về tiền sinh hoạt phí. Cùng với đó, chúng em cũng an tâm hơn khi ra trường được thực hiện cam kết phục vụ trong ngành giáo dục”, một sinh viên ngành Sư phạm Toán của trường chia sẻ...
So với trước đây, Nghị định 60 đã quy định cụ thể việc xác định nhu cầu đào tạo giáo viên. Theo đó, trước ngày 15-6 hàng năm, UBND cấp tỉnh gửi nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh tiếp theo về Bộ GD-ĐT.
Trước ngày 30-6 hàng năm, trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên của địa phương và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm, Bộ GD-ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh năm tiếp theo cho cơ sở đào tạo. Căn cứ chỉ tiêu được thông báo, cơ sở đào tạo công khai rộng rãi chỉ tiêu trước ngày 5-7 hàng năm.
Với những điều chỉnh này, Nghị định 60 được kỳ vọng sẽ đảm bảo nhu cầu về giáo viên của các địa phương được triển khai đồng bộ, hiệu quả và sát thực tế hơn.