Mệt mỏi tìm nơi chụp PET/CT
3 ngày qua, anh Nguyễn Đình Hưng (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) phải chạy khắp các bệnh viện trên địa bàn TPHCM để tìm nơi chụp PET/CT cho mẹ, một bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư dạ dày. Ban đầu, anh Hưng đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhưng nơi đây cho biết không còn thuốc để vận hành máy. Anh Hưng đưa mẹ sang Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhân dân 115, nhưng cả 2 nơi cũng “lắc đầu” vì máy ngưng hoạt động. Được bạn bè mách bảo là chỉ còn Bệnh viện Chợ Rẫy có máy còn hoạt động nên anh Hưng đã đến đăng ký, tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân dồn về quá đông, phải hơn 1 tháng sau mới đến lượt. “Với bệnh nhân ung thư, thời gian chờ đợi có thể sẽ khiến bệnh tình chuyển sang giai đoạn nặng, vì thế gia đình tôi có thể sẽ tính đến phương án ra Hà Nội hoặc Đà Nẵng để được chụp sớm”, anh Hưng lo lắng.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết, tình cảnh chung của nhiều người bệnh ung thư có chỉ định chụp PET/CT trên địa bàn TPHCM thời gian qua là phải chờ. Do chụp CT và MRI vẫn còn nghi ngờ nên chỉ có chụp PET/CT mới biết chính xác tình trạng bệnh. PET/CT là phương tiện chẩn đoán, theo dõi, điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư nhờ sử dụng thuốc phóng xạ 18F-FDG. Trong khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác thường chỉ áp dụng ở một vùng cơ thể, thì PET/CT có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ tế bào, mức độ phân tử và có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương và bệnh lý ở giai đoạn rất sớm.
“PET/CT không áp dụng với tất cả bệnh nhân ung thư, nhưng kỹ thuật này giúp phát hiện được các tổn thương di căn, đánh giá được mức độ đáp ứng, nguy cơ tái phát ung thư và đặc biệt hiệu quả khi đánh giá ca bệnh khó”, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết.
Tại TPHCM, hiện có 4 bệnh viện được trang bị hệ thống PET/CT, gồm: Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Quân y 175 và Ung bướu TPHCM. Thế nhưng, thời gian gầy đây, máy của 3 trong 4 bệnh viện này phải “đắp chiếu” vì thiếu thuốc, chỉ còn Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn thuốc để hoạt động. Và hậu quả là các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM khi có chỉ định PET/CT đều đổ dồn về Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của bệnh viện chỉ có thể thực hiện cho khoảng 10 bệnh nhân/ngày. Một số bệnh nhân chấp nhận chờ rất lâu mới đến lượt, nhưng một số khác đã tính phương án ra Đà Nẵng hoặc Hà Nội để thực hiện kỹ thuật này.
Trong khi đó, tại Hà Nội, hiện nay có một số cơ sở y tế như Bệnh viện K, Quân y 108, Ung bướu Hà Nội đang có hệ thống PET/CT phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư. Hầu hết hệ thống PET/CT này tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội đang hoạt động bình thường, với lượng người bệnh được chỉ định chiếu chụp khá lớn.
Sớm cấp phép thuốc để chạy máy
Lý giải về tình trạng thiếu thuốc chạy máy PET/CT, một lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, thuốc phóng xạ 18F-FDG của Bệnh viện Ung bướu TPHCM do một công ty dược có chi nhánh đặt tại TP Thủ Đức cung cấp. Tuy nhiên, đầu năm 2022 đến nay, công ty này chưa gia hạn được giấy đăng ký lưu hành thuốc; do đó khoảng nửa năm qua, hệ thống máy PET/CT của bệnh viện hoạt động cầm chừng, sau đó dừng hẳn. Trước tình hình trên, Bệnh viện Ung bướu đã gửi công văn báo cáo lên Sở Y tế TPHCM; sở tiếp tục báo cáo lên Cục Quản lý dược, Bộ Y tế để có phương án tháo gỡ.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã nắm được thông tin về việc hệ thống máy chụp PET/CT phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư tại các bệnh viện ở TPHCM phải tạm dừng hoạt động do thiếu thuốc hóa chất phóng xạ. Bộ Y tế đã có chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp để không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ người bệnh, đồng thời đảm bảo rõ ràng, công khai minh bạch. Trong khi chờ thuốc được cấp phép đăng ký và nhập về Việt Nam, Bộ Y tế tính đến phương án Bệnh viện Chợ Rẫy san sẻ thuốc phóng xạ cho các bệnh viện khác trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện sẽ chia sẻ nguồn thuốc phóng xạ với Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Ung bướu TPHCM để phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, do công suất lò thuốc phóng xạ của đơn vị hiện không thể mở rộng thêm, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao nên chưa thể đáp ứng kịp.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, khi đầu tư hệ thống máy PET/CT, các bệnh viện cần phải tính đến cả “lò” sản xuất thuốc phóng xạ để hạn chế tối đa nguy cơ hệ thống máy móc đắt đỏ PET/CT rơi vào cảnh “đóng băng” như hiện nay.
Theo các chuyên gia ung bướu, người dân cần hiểu đúng về sàng lọc phát hiện sớm ung thư và vai trò của PET/CT, vì không phải mọi trường hợp muốn chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư đều cần phải chụp PET/CT. Để chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư, bệnh nhân nên kiểm tra ban đầu bằng những kỹ thuật thông thường như: xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm ổ bụng, X-quang tim phổi, điện tim. Nếu có bất thường thì bác sĩ mới chỉ định làm các kỹ thuật khác như chụp CT, chụp cộng hưởng từ và khi các phương pháp này không phát hiện được bệnh thì mới cần sử dụng PET/CT. Hơn nữa, thế giới cũng chưa có khuyến cáo về sử dụng máy PET/CT trong sàng lọc các bệnh ung thư, mà hệ thống này thường được sử dụng trong đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát, tiến triển sau kết thúc điều trị, nhưng giá trị chẩn đoán không phải là tuyệt đối hoàn toàn.
* Bác sĩ NGUYỄN VĂN MINH, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Đà Nẵng: Vận chuyển xa là điều không khả thi XUÂN QUỲNH - ĐOÀN KIÊN - QUỐC KHÁNH ghi |