Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng (Bộ VH-TT-DL) khẳng định, văn bản mới được cho là đã giải quyết khá nhiều vướng mắc trong việc xét tặng giải thưởng cao quý của nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
*PHÓNG VIÊN: Theo ông, Nghị định 133 có giải quyết được rốt ráo những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Nghị định 90 về xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật trước đó?
*Ông PHÙNG HUY CẨN: Trong suốt 2 năm qua, bộ đã tổ chức nhiều hội thảo để nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các bộ ngành và văn nghệ sĩ. Có 4 nội dung lớn được sửa đổi. Cụ thể, Nghị định mới đã đưa được mốc thời gian là trước năm 1993 và sau năm 1993 để từ đó đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với các công trình, tác phẩm xét giải thưởng.
Thay đổi thứ 2 là việc thay đổi điều kiện về số phiếu bầu của thành viên hội đồng. Nếu trước kia hồ sơ chỉ được trình lên cấp cao hơn nếu đạt 90% tổng số phiếu bầu của thành viên hội đồng thì nay con số này đã giảm xuống chỉ còn 80%. Tuy nhiên, văn bản này lại quy định việc có mặt của các thành viên hội đồng khắt khe hơn trước.
Theo đó, những phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên tham dự thì mới có giá trị pháp lý thay vì 75% như trước. Trong mỗi phiên họp các thành viên sẽ cùng lắng nghe ý kiến của nhau để có thể có quyết định chính xác trước khi bỏ phiếu chứ không bỏ phiếu vắng mặt.
trong xét tặng giải thưởng VH-NT
Đây được coi là cách làm linh hoạt, tránh trường hợp các tác phẩm xuất sắc không được vinh danh.
*Vì lý do gì mà nghị định mới lại đưa ra mốc thời gian xét tác phẩm là trước và sau năm 1993, thưa ông?
*Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Quyết định số 25- TTg về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn học nghệ thuật (VHNT). Điều 4 tại quyết định này quy định rõ về thành lập Quỹ Giải thưởng VHNT của Chính phủ.
Theo đó, hàng năm, các hội VHNT tổ chức tuyển chọn và khen thưởng các tác phẩm, công trình VHNT xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình. Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) chủ trì và cùng với các hội tổ chức việc tuyển chọn các tác phẩm, các công trình về VHNT xuất sắc để Thủ tướng tặng thưởng.
Đối với những người có công sưu tầm các giá trị văn học dân gian, hiện vật bảo tàng giá trị, người có công bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần được xét khen thưởng xứng đáng. Quyết định này cũng nói rõ về việc đầu tư kinh phí cho việc xây dựng tiết mục, luyện tập thường xuyên và trang bị của các đơn vị nghệ thuật.
Đặc biệt cũng nhờ có quyết định này mà bộ và các hội VHNT đã xây dựng các hình thức, tiêu chuẩn và quy chế khen thưởng thông qua các hội diễn, liên hoan…
Đối với ban soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung thì những nội dung này có thể nói là “cứu cánh” và dấu mốc 1993 đã được lựa chọn để đưa vào nghị định sửa đổi, bổ sung như một căn cứ pháp lý rạch ròi khi xét tặng.
Sau khi xin ý kiến của các bộ phận liên quan, chúng tôi cũng nhận được sự đồng tình bởi tính thuyết phục của căn cứ pháp lý này khi xét tặng các giải thưởng.
*Có băn khoăn rằng sau quyết định năm 1993, các kỳ thi, hội diễn có được tổ chức thường xuyên cũng như các văn nghệ sĩ có điều kiện tham gia để có các giải thưởng đáp ứng quy định tại Nghị định 133 hay không?
*Tôi xin nói rõ thêm về tiêu chuẩn xét tặng các Giải thưởng sau năm 1993. Đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội... thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn: đã được tặng giải vàng, giải A, giải nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VH-TT-DL tổ chức hoặc giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành, giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế có uy tín.
Việc xét Giải thưởng Nhà nước, ngoài các tiêu chuẩn chung, những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993 phải đáp ứng một số tiêu chí về giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm…
Tuy nhiên, nếu để đặt câu hỏi liệu sau năm 1993, các kỳ thi, hội diễn có được tổ chức thường xuyên, cũng như các nghệ sĩ có điều kiện tham gia để đủ giải thưởng hay không, tôi vẫn khẳng định lại quan điểm rằng mọi văn bản quy phạm pháp luật đều tiếp cận đến sự công bằng tương đối chứ khó có thể toàn diện.
*Việc cứ tiếp tục duy trì những tiêu chí về số lượng giải thưởng như vậy, liệu có cứng nhắc, trong khi các tác phẩm văn học, nghệ thuật lại mang yếu tố tinh thần và có đời sống rất riêng?
*Không có một nghị định, văn bản pháp lý nào có thể điều chỉnh toàn diện những vấn đề muôn hình vạn trạng từ thực tiễn, nhưng tôi cho rằng, những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 133 đã thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ, nhà quản lý và dư luận.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, cái gì cũng phải có đủ các yếu tố định tính và định lượng, nếu không sẽ rất khó. Cũng cần nói rõ với quy định mở thì Nghị định 133 cơ bản đã đáp ứng được nhiều yếu tố, giải quyết được một số vướng mắc mà dư luận từ mùa giải thưởng trước đã cho rằng còn cứng nhắc và thiếu linh hoạt.