Gỡ vướng để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài

Ngày 18-9, UBND TPHCM phối hợp Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức chương trình đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”.

Sự kiện thu hút hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và lãnh đạo các tỉnh thành khu vực phía Nam tham dự.

S1e.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan với các doanh nghiệp tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều vướng mắc kéo dài

Tại diễn đàn, có 4 vấn đề mà doanh nghiệp FDI mong muốn được sớm giải quyết là: thủ tục hành chính liên quan đến hạ tầng giao thông; chính sách thuế; thủ tục cấp phép đầu tư; cấp phép lao động cho người nước ngoài.

Về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, ông Trần Anh Đức, đại diện nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF, nhìn nhận, hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, đường vào các cảng như Cát Lái, cao tốc Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt xe; sân bay Tân Sơn Nhất quá tải...

Chính vì hạ tầng hạn chế nên chi phí logistics ở Việt Nam đang rất cao so với thế giới. Trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 30%-40% giá thành sản phẩm, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ 10%-12%.

Về chính sách thuế, một số doanh nghiệp FDI ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh bị chậm trễ trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ông Takahisa Onose, đại diện nhóm công tác thuế và hải quan VBF, cho biết, các doanh nghiệp đã tích cực nộp giấy tờ, văn bản theo yêu cầu, nhưng việc hoàn thuế vẫn... ì ạch!

Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Itochu Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản, có trụ sở tại quận 1, TPHCM) đã giải trình theo yêu cầu về thuế GTGT, nhưng từ năm 2022 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc này khiến doanh nghiệp gặp khó vì số tiền hoàn thuế lên đến 80 tỷ đồng.

Liên quan đầu tư, ông Takahisa Onose nêu trường hợp một công ty có trụ sở tại Khu công nghệ cao TPHCM đã ký hợp đồng khung về đầu tư, với các chính sách ưu đãi cụ thể từ năm 2005, nhưng đến năm 2018 lại bị Kiểm toán nhà nước yêu cầu truy thu tiền thuê đất, số tiền hơn 16,6 tỷ đồng.

Đến nay, doanh nghiệp muốn triển khai kế hoạch kinh doanh tiếp thì không thực hiện được do “vướng” số tiền truy thu kể trên.

Nhiều doanh nghiệp FDI cho biết, “thời gian đối với nhà đầu tư là tiền bạc”, do vậy, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư cần nhanh, thông thoáng. Dù doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị nhưng những thủ tục liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh và cấp phép cho người lao động nước ngoài vẫn rất phức tạp, kéo dài. Đã vậy, đang có tình trạng không nhất quán trong cách hiểu và triển khai tại mỗi địa phương.

Thị trường bất động sản thu hút hơn 2,5 tỷ USD vốn FDI

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 8-2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn.

Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút đạt 2,4 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ và chiếm 14,4% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29%.

ĐÔNG GIA

Sẵn sàng hợp tác, đầu tư

Trả lời nhà đầu tư, lãnh đạo TPHCM nhìn nhận, hạ tầng là khâu yếu của cả khu vực phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng giao thông khu vực này đang được Chính phủ quan tâm, triển khai nhiều dự án. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia. Tại TPHCM, dịp 30-4-2025 sẽ đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; các tuyến metro đang thành hình.

Lãnh đạo các sở ngành, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM... cũng ghi nhận ý kiến của các nhà đầu tư và đang nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ, tăng cường số hóa để đẩy nhanh thời gian di chuyển, xuất nhập cảnh, đề xuất các chính sách thu hút đầu tư về hạ tầng số, phát triển trung tâm dữ liệu lớn, các dự án liên quan trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…

S5A.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng đại diện các doanh nghiệp FDI tại chương trình đối thoại chính sách năm 2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Liên quan đến nội dung tăng trưởng bền vững, một số nhà đầu tư trình bày nhiều ý tưởng hợp tác mới mẻ, kể cả sử dụng các loại nguyên liệu dồi dào ở Việt Nam để sản xuất các nhiên liệu sạch.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng. Trong đó, việc chế biến dầu vỏ hạt điều đang được các nước rất quan tâm, có thể dùng trong ngành nhựa, thiết bị bay, nguyên liệu cho năng lượng tái tạo… Hiện nay vẫn chưa có công nghệ chế biến, nếu có thể hợp tác sẽ mở ra tương lai trong giảm phát thải carbon ngành hàng không.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh mong muốn được đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, trong đó có chế biến sâu nông sản.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh, hợp tác trong các lĩnh vực nông lâm thủy sản thì các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL rất tiềm năng. Các loại nguyên liệu như mỡ cá da trơn, vỏ dừa, vỏ trấu… luôn sẵn có. Nếu nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu có thể nghiên cứu sâu hơn, đặt nhà máy, hướng dẫn nông dân cùng tham gia.

Lãnh đạo TPHCM cũng rất hoan nghênh việc xây dựng cơ chế tài chính cho các dự án “xanh” có nguồn vốn thực hiện. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia.

Đây cũng là cơ hội cho thành phố cùng các tỉnh thành nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng cũng đặt ra những thách thức trong giải quyết vấn đề việc làm, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo.

“TPHCM và các tỉnh thành sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp FDI nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại thành phố, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ.

Ông COLIN BLACKWELL, Trưởng Nhóm Nguồn nhân lực VBF:

Xin giấy phép cho người lao động nước ngoài... gặp khó

Quy định hiện hành đòi hỏi người lao động phải xin giấy phép lao động tại nơi dự kiến làm việc và cập nhật từng địa điểm làm việc khi người lao động được cử đi làm việc ở các địa phương khác nhau, là không thực tế trong nhiều trường hợp.

Thay vào đó, việc cấp một giấy phép lao động duy nhất tại địa điểm đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện báo cáo khi người lao động được cử đi công tác từ 30 ngày trở lên tại một địa phương khác, sẽ hiệu quả và mang tính thực tiễn hơn.

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa quy trình xét duyệt trước khi tuyển dụng người nước ngoài. Đồng thời, cho phép các trường hợp ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với các dự án có tác động lớn, các dự án có khoản đầu tư lớn hoặc dự án có hồ sơ tuân thủ tốt...

Việc áp dụng quy định pháp luật cũng cần nhất quán chung cho các tỉnh thành phố, tránh tình trạng mỗi địa phương lại có thể có cách diễn giải khác nhau.

Ông SECK YEE CHUNG, đồng Trưởng Nhóm Đầu tư và thương mại VBF:

Thủ tục cấp phép đầu tư còn phức tạp

Việt Nam có thể thúc đẩy đáng kể đầu tư nước ngoài bằng cách đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục xin và gia hạn giấy phép kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những người có thể nản lòng vì các quy trình phức tạp.

Cụ thể, theo Nghị định 09/2018 về việc cấp giấp phép kinh doanh, quy định chỉ một số trường hợp cần xin ý kiến của Bộ Công thương, nhưng thực tế hầu hết các trường hợp đều thực hiện bước này.

Thời gian này có thể kéo dài tới 3 tháng cho mỗi quy trình nội bộ giữa Sở Công thương và Bộ Công thương. Nếu có 2 đến 3 vòng câu hỏi và/hoặc yêu cầu bổ sung thông tin từ Bộ Công thương, thì mất tới 9-12 tháng để hoàn thành. Thậm chí, có trường hợp phải mất 1 năm để có được giấy phép kinh doanh.

Điều này có thể gây ra sự chậm trễ đáng kể trong việc đăng ký đầu tư và khiến các nhà đầu tư/doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí.

Chúng tôi đề xuất cơ quan chức năng cân nhắc và không yêu cầu thêm bất kỳ giấy tờ nào khác ngoài các giấy tờ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nên có giới hạn về thời gian cũng như số lần yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Tin cùng chuyên mục