Gỡ vướng cho doanh nghiệp khoa học - công nghệ

Không ít doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN) sau khi thành lập đã không tận dụng được lợi thế cạnh tranh từ ứng dụng công nghệ mới và các chính sách. Từ đó không đáp ứng các điều kiện doanh thu, hưởng chính sách ưu đãi, loay hoay trong quản trị doanh nghiệp nên rất khó phát triển.

Nhiều trở ngại trong hoạt động

Theo Sở KH-CN TPHCM, TPHCM hiện có 111 doanh nghiệp KH-CN được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận là trên 700 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạng lưới doanh nghiệp KH-CN ở thành phố còn rất lớn. Cùng với đó, thành phố có 36 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 13 không gian làm việc chung và khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… “Thực tế phát triển doanh nghiệp KH-CN cũng gặp nhiều trở ngại. Để được công nhận là doanh nghiệp KH-CN phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH-CN; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KH-CN, chứng minh quyền sở hữu trí tuệ…”, bà Phan Thị Thùy Ly, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TPHCM, chia sẻ.

H4b.jpg
Phòng thí nghiệm của Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội. Ảnh: TRẦN LƯU

Hiện cả nước có hơn 800 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH-CN trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện được công nhận. Đa số các doanh nghiệp KH-CN đang sản xuất tốt, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp không ít vướng mắc trong hoạt động.

Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH-CN Việt Nam (VTS), nhận định, doanh nghiệp KH-CN hiện nay chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Như doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai, nhưng hiện quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Hay như doanh nghiệp muốn nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ KH-CN.

Đặc biệt, vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Bởi các nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại hóa sản phẩm KH-CN cũng đóng thuế như người làm nghiên cứu dự án khoa học từ vốn nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước.

Xem xét chính sách hỗ trợ

Để thúc đẩy doanh nghiệp KH-CN phát triển, mới đây, lãnh đạo Bộ KH-CN đã có cuộc làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp KH-CN Việt Nam để bàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH-CN, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tại cuộc làm việc này, ông Hoàng Đức Thảo đề xuất cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp KH-CN hưởng đầy đủ các ưu đãi.

Theo đó, Bộ KH-CN có ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để cùng phối hợp có văn bản trình Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu cơ chế đặc thù để mở rộng phạm vi áp dụng thu nhập chịu thuế từ bản quyền (quy định tại điều 16 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014), đưa thu nhập của tác giả quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng biểu thuế toàn phần với mức thuế suất 5%. Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến trình thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.

Theo các chuyên gia, bắt nhịp xu hướng thế giới cũng như thực hiện chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực chuyển đổi hướng phát triển dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo. Nếu không áp dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp không thể cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, cũng như tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam là cần phải ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thực tế đã có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp KH-CN, nhưng theo các chuyên gia cũng như lãnh đạo Bộ KH-CN là vẫn chưa đủ, nhất là những vướng mắc, khó khăn trong việc liên thông, thực thi chính sách giữa các bộ, ngành liên quan. Do đó, Bộ KH-CN xác định cần thiết phải xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp KH-CN phát triển; cần tập trung vào việc xác định rõ vai trò, vị thế của doanh nghiệp KH-CN; tăng cường thảo luận, trao đổi về các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KH-CN nhằm đánh giá rõ những gì có thể thực hiện ngay.

Tin cùng chuyên mục