Năm 2023, quy mô kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 34 thế giới. Quy mô xuất khẩu đạt gần 355 tỷ USD, với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới. Ở chiều ngược lại, với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm nay, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7%, thậm chí có tổ chức quốc tế lạc quan đánh giá Việt Nam là “ngôi sao tăng trưởng của Đông Nam Á”. Điều này chứng tỏ sự tăng trưởng kinh tế liên tục, đem đến sự thay đổi về diện mạo, vị thế đất nước những năm qua.
Tuy nhiên, chúng ta không thể hài lòng, thỏa mãn với những gì đã đạt được. Bởi vẫn còn đó rất nhiều khó khăn thách thức của nền kinh tế, trong đó sự phát triển vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Một phần nguyên nhân rất lớn được cộng đồng DN nêu lên là sự bất cập trong cơ chế chính sách, quy định pháp luật khiến họ chưa thể “bung sức” tối đa.
Những tiếng kêu của DN râm ran ở nhiều lĩnh vực, nhiều khâu. Trong đó, có những quy định khiến ngành bất động sản gần như “đứng hình” suốt nhiều năm. Tình trạng này đang được tích cực sửa chữa bằng hệ thống các luật liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đều có hiệu lực sớm hơn dự kiến, nhưng để giải quyết được những khó khăn, cần có thời gian để chính sách “ngấm” vào thực tiễn. Rõ ràng, sự trắc trở, bất cập của chính sách có tác động vô cùng lớn đến hoạt động của DN, dù được “sửa sai” nhưng phải trả giá bằng những tổn thương của DN, cũng là tổn thất chung của xã hội.
Một ví dụ khác, với quá nhiều chính sách thuế, DN nhiều lúc băn khoăn không biết áp dụng như thế nào cho đúng. Rồi khi yêu cầu hoàn thuế, yêu cầu chính đáng hợp pháp thì gặp cảnh “trần ai” do cơ quan thuế vì quá thận trọng, lo sợ rủi ro nên sự việc kéo dài. Có DN bị “ôm” tiền hoàn thuế nhiều năm, số tiền cả chục, cả trăm tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Mà sự thận trọng, lo sợ rủi ro của cơ quan thuế cũng xuất phát từ sự chưa rõ ràng, chặt chẽ của các quy định. Cùng một quy định, có nơi hiểu và áp dụng thế này, nơi hiểu và áp dụng cách khác đã tạo nên rủi ro lớn về mặt pháp lý cho người thực thi.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN đòi hỏi một chính sách tổng thể. Các địa phương, bộ ngành cần thường xuyên rà soát trong lĩnh vực về những quy định pháp luật mà thực tế áp dụng có nhiều DN, người dân “kêu ca” thì đề xuất Chính phủ, còn vượt thẩm quyền thì đề xuất Quốc hội sửa luật kịp thời, không để nghẽn dòng chảy của nền kinh tế.
Một vấn đề rất lớn hiện nay đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quyết tâm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông, đó là hoàn thành đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây chính là tiền đề tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong “kỷ nguyên vươn mình”.
Nhằm hiện thực hóa giấc mơ này, không chỉ tháo gỡ vướng mắc mà cần ban hành chính sách tốt nhất nhằm thu hút nguồn lực trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng như kiều bào tham gia kiến thiết phát triển bền vững đất nước.
Tóm lại, để có thể phát huy hết tiềm năng, đóng góp tốt nhất cho đất nước thì các vướng mắc phải được tháo gỡ một cách toàn diện. Nguồn lực được khơi thông sẽ tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng.