Nhận diện những lỗ hổng
Với hình thức xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, TPHCM đã huy động hàng ngàn tỷ đồng ngoài ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hàng loạt dự án BT chậm tiến độ, dừng thi công đã cho thấy nhiều bất cập, mà chủ yếu xuất phát từ chủ đầu tư. Theo các chuyên gia, nhiều chủ đầu tư năng lực còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và tiền bán nhà đất khi Nhà nước thanh toán cho dự án. Chính vì thế, khi nhà đất thanh toán bị trục trặc thì ảnh hưởng ngay đến tiến độ thực hiện công trình.
Cụ thể, như bài học từ dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng. Năm 2010, dự toán kinh phí xây dựng công trình 988 tỷ đồng, thành phố phải bán căn nhà số 257 Trần Hưng Đạo (quận 1) để thanh toán cho chủ đầu tư, nhưng chậm triển khai. Năm 2013 công trình đội giá lên 1.352 tỷ đồng, thành phố bổ sung căn nhà số 3 Bis Phan Văn Đạt (quận 1); đến năm 2018, dự toán công trình tăng lên 1.953 tỷ đồng và thành phố phải bổ sung 3ha đất tại Trường đua Phú Thọ để thanh toán cho chủ đầu tư. Đến nay, chủ trương bổ sung thêm 3ha đất thanh toán chưa được chấp thuận nên dự án dừng lại, chưa thể triển khai. “Nếu chủ đầu tư có đủ vốn, chủ động đầu tư xây dựng thì dự án đã không kéo dài như hôm nay”, một chuyên gia đô thị nhìn nhận về vụ việc.
Ngoài việc thực lực của chủ đầu tư chưa cao, thì thay đổi quy định pháp lý cũng khiến không ít chủ đầu tư dự án BT khó khăn, vướng mắc, thậm chí vi phạm trong thực hiện dự án. Trong kết quả kiểm toán gần đây của Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nêu tên 3 dự án BT có sai phạm, gồm: dự án đường Phạm Văn Đồng - Gò Dưa do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư; dự án đường D3 nối cảng Sài Gòn - Hiệp Phước do Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư; dự án đường song hành từ Mai Chí Thọ đến khu dân cư Nam Rạch Chiếc - đường Vành đai 2 do Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương làm chủ đầu tư.
Cần quy định chung để tháo gỡ đồng loạt
Trong văn bản báo cáo UBND TPHCM, lãnh đạo Sở GTVT đề xuất: Dự án đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng - Gò Dưa) chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng tại TP Thủ Đức chậm và thủ tục liên quan đến điều chỉnh dự án phức tạp. Để dự án tiếp tục triển khai, UBND TPHCM xem xét chỉ đạo thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT của dự án. Trong buổi khảo sát tiến độ dự án gần đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng đã đề nghị Sở TN-MT và Sở KH-ĐT rà soát lại các quy định pháp luật để báo cáo UBND TPHCM nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; giao Sở GTVT chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan nhanh chóng tham mưu việc điều chỉnh đồ án quy hoạch và trình HĐND TPHCM phê duyệt chủ trương đầu tư; giao TP Thủ Đức chủ động phối hợp với các sở, ngành để báo cáo UBND TPHCM kịp thời tháo gỡ về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, UBND TPHCM luôn bám theo tiến độ công trình, đã có nhiều văn bản gửi cấp trên nêu những vướng mắc và kiến nghị giải pháp để khơi thông cho dự án. Mới đây, UBND TPHCM có Công văn số 6822/UBND-QLDA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án, trong đó phương án tài chính dự án thanh toán bằng quỹ đất tối thiểu 15%, thanh toán bằng tiền 85%. “Hiện nay, dự án đã hoàn thành phần lớn khối lượng công trình, do không thực hiện tiếp tục giải ngân khoản vay tái cấp vốn, nên dự án tạm ngừng thi công, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án; đồng thời có nguy cơ dự án không được tiếp tục hưởng các cơ chế ưu đãi đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, một lãnh đạo UBND TPHCM nhấn mạnh.
Ngày 11-12-2020, Thành ủy TPHCM cũng có Thông báo số 30-TB/TU, thống nhất nguyên tắc triển khai dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gia hạn giải ngân cho dự án; giao Ban Cán sự đảng UBND TPHCM chỉ đạo UBND TPHCM làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thống nhất các thủ tục, tiếp tục gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đúng kế hoạch triển khai và tiến độ hoàn thành dự án. Và sự quyết liệt vào cuộc khẩn trương của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đã được hồi đáp. Ngày 1-4-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về việc tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và có hiệu lực ngay, kể từ ngày 1-4-2021. Những vướng mắc của dự án gần 10.000 tỷ đồng đã được tháo gỡ!
Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật tại TPHCM (Hội Luật gia Việt Nam), cho rằng: Việc Chính phủ ban hành nghị quyết để gỡ vướng cho một dự án BT là hết sức kịp thời, cho thấy sự nỗ lực, trách nhiệm của chính quyền đối với doanh nghiệp. Dự án gần 10.000 tỷ tái khởi động trở lại, sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác, không chỉ tiết kiệm cho chủ đầu tư mà hàng triệu người dân thành phố thoát cảnh ngập nước. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện nay còn nhiều dự án BT đang dừng thi công, rất cần được “giải cứu”. Vì thế, cứ mỗi dự án có một nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ là không khoa học mà cần có quy định chung để xử lý đồng loạt, tránh tiếp tục lãng phí.
* Luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM): |