Khởi công đã nhiều năm với khí thế cố gắng hoàn thành trước thời hạn, đưa vào vận hành phục vụ giao thông, giao thương, nhưng đến nay nhiều dự án BT vẫn dang dở. Không chỉ lỡ hẹn, đội vốn, lãng phí, các công trình phơi nắng mưa vừa nhanh xuống cấp vừa ảnh hưởng đời sống dân sinh.
Có mặt ở công trường dự án nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 những ngày đầu tháng 5, trước mắt chúng tôi là bãi cỏ hoang, cây dại cao quá đầu kéo dài hàng km. Đi dọc công trường không thấy bóng dáng công nhân, thỉnh thoảng lại bắt gặp thiết bị thi công, vài chiếc xe xúc bỏ không, gỉ sét. Công trường dừng thi công đã lâu ngày, cỏ, cây leo trùm lên chiếc xe xúc bỏ không, xâm lấn căn nhà lá giữa công trường. Do thiếu người trông coi, một số hạng mục bê tông trong công trình bị người ngoài vào đập để lấy sắt thép. Thật khó hình dung đây là dự án giao thông đã được chủ đầu tư đổ vào cả ngàn tỷ đồng. Chị Lê Ngọc Ngà, hộ dân sống trên đường Cây Keo (phường Tam Phú, TP Thủ Đức), nói: “Công trình dừng nhiều tháng nay rồi. Đơn vị thi công dựng hàng rào tôn nhưng không thấy công nhân. Công trường vắng vẻ, trong khi người dân trong vùng đi lại cũng khó khăn”.
Tương tự, công trình cầu Thủ Thiêm 2 vượt sông Sài Gòn, nối trung tâm thành phố với TP Thủ Đức, cũng đã dừng nhiều tháng nay. Dầm cầu lớn vươn ra giữa dòng sông. Trên công trường không một bóng người. Cầu do Công ty CP Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2015. Theo dự kiến, cầu sẽ hoàn thành vào ngày 30-4-2020 nhưng trễ hẹn. Đầu tháng 9-2020, công nhân rút dần và công trình dừng thi công từ đó. Theo chủ đầu tư, nhà thầu đã lắp đặt 11/17 đốt dầm thép nhịp cầu chính và 35/36 bó cáp dây văng, đạt 70% tổng giá trị xây dựng công trình nhưng bị vướng thủ tục pháp lý, thiếu mặt bằng nên tạm dừng.
Không chỉ các công trình giao thông, tại trung tâm thành phố, dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (quận 3) cũng trong cảnh “án binh bất động”, nhiều năm nay tường tôn vây kín. Theo chủ đầu tư dự án (Công ty CP Đền bù giải tỏa và Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt), dự án được đầu tư theo hình thức BT. Dự án chậm thực hiện, liên tục đội giá. Hiện nhà thi đấu cũ đã được tháo dỡ, để trơ trọi “khu đất vàng” có diện tích trên 14.000m2 nằm giữa 4 tuyến đường Võ Văn Tần, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa nằm phơi nắng mưa.
Thiệt đơn, thiệt kép
Trong hàng loạt công trình BT dừng thi công, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (gần 10.000 tỷ đồng) là dự án hiếm hoi đang rục rịch hoạt động trở lại. Đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trước khi công trình tái khởi động, trên công trường chỉ có bảo vệ trông coi, vật tư nằm ngổn ngang, nhiều thanh sắt xây dựng hoen gỉ nằm phơi nắng. Anh Nguyễn Hoàng, ngụ số nhà KC25, phường Tân Thuận Tây, quận 7, cho biết: “Công trường cống Tân Thuận ngưng thi công đợt thứ 2 này đã 5 tháng. Công trình tạm dừng, nhưng hàng rào tôn chắn vẫn còn nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Mong chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để sớm tháo dỡ rào tôn, trả lại mặt đường cho phương tiện lưu thông qua lại dễ dàng”.
Trong khi đó, hàng loạt dự án BT khác chậm tiến độ, ngưng thi công không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và xã hội. Những dự án lớn như cầu Thủ Thiêm 2, đường nối Phạm Văn Đồng - Gò Dưa, dự án chống ngập..., chủ đầu tư đã đổ vào đây không ít nhân lực, vật lực. Công trình đang thi công phải dừng giữa chừng không chỉ làm hư hỏng, thất thoát vật tư thiết bị mà khiến chủ đầu tư bị áp lực về tài chính, tiền lãi vay ngân hàng đè nặng. Ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, chủ đầu tư dự án nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, cho biết: “Đơn vị đã bỏ ra hơn 900 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và hơn 400 tỷ đồng đầu tư thi công. Nhưng đến nay Thành phố chưa giải ngân khoản nào cho nhà đầu tư. Tiền lãi vay ngân hàng phải trả đã lên hơn 200 tỷ đồng”. Cũng theo ông Trần Đức Thắng, dự án đường Vành đai 2 đoạn 3 dài hơn 2,7km, có giá trị 2.765 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 1.821 tỷ đồng, nhưng sau 5 năm khởi công vẫn còn dang dở. Theo kế hoạch, năm 2018, nhà đầu tư nhận được mặt bằng sạch, nhưng đến tháng 3-2021 vẫn vướng, dự án đang phải dừng thi công.
Còn dự án cầu Thủ Thiêm 2 có kinh phí dự tính ban đầu 4.200 tỷ đồng, được khởi công năm 2015 và đã chậm 1 năm theo kế hoạch. Sau nửa năm dừng thi công, mới đây, Công ty CP Đại Quang Minh có “tối hậu thư” đến ngày 15-4-2021, công trình không tiếp tục thi công thì phải giải thể công trường vì không đảm bảo an toàn và thiết bị đặc chủng thi công phải chuyển sang Singapore, Nam Phi. Công trình đang dần tháo gỡ vướng mắc để xúc tiến tiếp tục thi công.
Với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, cuối tháng 12-2020, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đã có văn bản gửi UBND TP báo cáo thiệt hại do tạm dừng dự án. Theo đó, công trình được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng, đã chậm tiến độ gần 2 năm. Từ tháng 1-2021, dự án đạt 95% khối lượng thi công, nhưng phải tạm ngừng, mỗi ngày trôi qua thiệt hại đối với công ty rất lớn. Chỉ riêng các chi phí nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi bảo quản các thiết bị chưa lắp đặt tại công trình, quản lý dự án và trả lãi vay ước tính hơn 45,6 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng, chuyên gia tư vấn đầu tư, cho biết, những thiệt hại do các dự án BT đầu tư xây dựng công trình trọng điểm thành phố chậm tiến độ, ngưng thi công không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà chính quyền thành phố cũng phải gánh chịu. Đối với nhà đầu tư, con số thiệt hại hàng tỷ đồng có thể tính toán được như tiền thuê thiết bị, lãi vay ngân hàng, thuê chuyên gia...Với chính quyền, xã hội, những thiệt hại không thể tính bằng tiền, đó là sự suy giảm, mất sức hút của phương thức đầu tư BT nhằm huy động vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư phát triển kinh tế xã hội. |