Tại hội nghị, TS Vũ Duyên Hải, Vụ phó Vụ Khai thác (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), nêu một số tồn tại ngành thủy sản chưa xử lý dứt điểm: nhiều chỉ số đăng ký, cập nhật hệ thống VNF (giao dịch hàng hóa Việt Nam), đăng kiểm còn hạn ngạch, cấp giấy phép và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá cả nước vẫn chưa hoàn thành; việc xác nhận nguồn gốc hải sản, xác minh thông tin tàu khai thác chuyển tải trên biển, xác nhận nguồn gốc thủy sản nhập khẩu bằng container còn nhiều hạn chế; công tác xử lý tàu cá vi phạm vẫn còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Đồng thời đề nghị các địa phương sớm làm rõ, báo cáo cụ thể về biến động giảm đội tàu (9.665 tàu) sau đợt rà soát từ tháng 10-2022 đến tháng 2-2023.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) thông tin thêm về kế hoạch của Đoàn Thanh tra của EC đợt 4, diễn ra từ 23 đến 31-5. Trong đó, dành 5 ngày để kiểm tra tại các tỉnh. Một số điểm khác biệt trong đợt kiểm tra lần này là thời điểm kiểm tra đúng dịp ngư dân đang trong cao điểm đánh bắt, hải sản lên cảng nhiều nhất; các nội dung kiểm tra tập trung công tác giám sát nghề cá, việc thực thi pháp luật, nguồn gốc hải sản xuất khẩu qua châu Âu, nhất là 2 loài cá kiếm, cá ngừ; kiểm tra 856 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bà Nguyễn Thị Trang Nhung đề nghị các tỉnh cần chuẩn hóa hồ sơ, sắp xếp lưu trữ, truy xuất nhanh nhất để phục vụ đoàn thanh tra.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU chỉ đạo Bộ Ngoại giao tăng cường phối hợp các nước có vùng biển giáp ranh với Việt Nam để cung cấp hồ sơ, chứng cứ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đại diện Cảnh sát biển Việt Nam, đơn vị đang tăng cường 11 tàu tuần tra tập trung khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan - Campuchia; đề xuất Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân tổ chức bay thường xuyên ở khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia - Indonesia để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá trong nước vi phạm.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản rà soát, kiểm tra lại lô hàng 7 tấn cá kiếm của một doanh nghiệp xuất khẩu ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị EC nghi ngờ xuất khẩu gian lận; chuyển vụ việc qua công an phối hợp xử lý.