Vừa đăng ký vừa… run!
Tuần qua, anh Nguyễn Hùng, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 (ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), nhiều lần đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh đầu cấp (địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn) để đăng ký tuyển sinh vào lớp 1 cho con. Trước đó, phụ huynh này đã hoàn tất việc rà soát thông tin cá nhân ở giai đoạn 1. Tuy nhiên, khi qua giai đoạn 2 đăng ký tuyển sinh, hệ thống yêu cầu phụ huynh lựa chọn một trong 3 địa phương tham gia tuyển sinh là địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú hoặc trường đang theo học. Sau khi lựa chọn, phụ huynh nhận được thông báo đăng ký thành công.
Trong khi đó, theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 do UBND quận 1 ban hành, sau bước xác nhận dữ liệu tham gia tuyển sinh, phụ huynh học sinh (HS) có 24 giờ cân nhắc lựa chọn. Trong thời gian đó, hệ thống sẽ gửi mã OTP qua email hoặc điện thoại di động để phụ huynh xác nhận thông tin đăng ký. Trường hợp không nhập mã OTP sau 24 giờ kể từ khi xác nhận dữ liệu, hệ thống xem như chưa đăng ký tuyển sinh.
“Tôi không nhận được mã OTP qua email hay số điện thoại để hoàn thành các bước đăng ký như hướng dẫn mà chỉ có xác nhận hoàn thành hồ sơ nên không biết như vậy là hoàn tất đăng ký hay chưa”, anh Nguyễn Hùng lo lắng.
Ở góc độ khác, nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 như “ngồi trên đống lửa” do muốn đăng ký tuyển sinh vào trường tiểu học có chương trình tiếng Anh tích hợp nhưng trường theo phân tuyến của năm học trước không có chương trình này.
Phụ huynh Thu Nguyệt, ngụ TP Thủ Đức, băn khoăn: “Sau khi có kết quả tuyển sinh đợt 1, phụ huynh đứng giữa 2 lựa chọn là đồng ý với kết quả tuyển sinh nhưng không đúng nguyện vọng để chắc chắn có suất học hoặc từ chối kết quả để tham gia xét tuyển đợt 2. Nếu không trúng tuyển đợt 2, con tôi có được quay về học trường đã phân bổ trong đợt 1 không?”.
tuyến tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn.
Từ ngày 20-7 đến 1-8, phụ huynh và HS truy cập trang tuyển sinh đầucấp để xem kết quả tuyển sinh. Nếu đồng ý với kết quả, phụ huynh HS xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh trực tuyến, sau đó tiến hành nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại trường đã trúng tuyển.
Nếu không đồng ý với kết quả, phụ huynh HS đăng ký xét tuyển đợt 2 theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện
Về vấn đề này, Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho biết, với các trường hợp HS muốn đăng ký xét tuyển vào lớp 1 chương trình tiếng Anh tích hợp nhưng trường theo phân tuyến địa chỉ thường trú không triển khai chương trình này hoặc phụ huynh muốn đăng ký vào trường đã có anh/chị đang học để thuận tiện đưa đón sẽ được giải quyết trong đợt 2. Ban chỉ đạo tuyển sinh sẽ xem xét từng trường hợp, trao đổi và tư vấn trực tiếp với phụ huynh để có hướng xử lý phù hợp.
Riêng tại quận Tân Bình, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết, phụ huynh từ chối kết quả tuyển sinh đợt 1 để chờ xét tuyển đợt 2 nhưng không trúng tuyển sẽ được sắp xếp chỗ học phù hợp tình hình thực tế của các trường sau khi tuyển sinh đợt 1. “Sau khi kết thúc đợt 1, trường sẽ tổng hợp số lượng hồ sơ HS xác nhận nhập học để đối chiếu với tổng chỉ tiêu tuyển sinh, từ đó tính toán chỉ tiêu tuyển sinh đợt 2. Phụ huynh cần hết sức cân nhắc khi từ chối quyền phân tuyến ở đợt 1”, ông Trần Khắc Huy nói.
Trong thời gian tuyển sinh đợt 1 (từ ngày 10-6 đến 23-6), Phòng GD-ĐT quận Tân Bình giải quyết nhiều trường hợp phụ huynh có địa chỉ thường trú ở quận Tân Phú liên hệ nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường ở quận Tân Bình do khoảng cách từ nhà đến trường gần nhất theo bản đồ GIS.
Đại diện Phòng GD-ĐT quận Tân Bình thông tin, bản đồ GIS chỉ áp dụng khi phân tuyến HS vào trường học trong phạm vi quận, huyện chứ không phải toàn thành phố, nên dù thực tế khoảng cách từ nhà HS đến trường là gần nhất nhưng HS ở quận này không thể phân bổ chỗ học trên địa bàn quận kia.
Cần hoàn thiện hệ thống đăng ký
Sau một tuần đăng ký tuyển sinh giai đoạn 1, ghi nhận chung từ các quận, huyện cho thấy, vẫn còn tình trạng phụ huynh nhập sai dữ liệu như mã định danh không chính xác, HS chưa đăng ký tạm trú nhưng vẫn kê khai trên hệ thống…
Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM cho biết, phần mềm tuyển sinh chưa có chức năng “gác cửa” dữ liệu đăng ký của HS. Do đó, khi đối chiếu dữ liệu do cán bộ chuyên trách giáo dục ở địa phương và dữ liệu phụ huynh đăng ký có nhiều sai lệch. “Địa phương không đủ nhân lực dò dữ liệu phụ huynh đăng ký.
Chưa kể, nhiều trường hợp HS có hộ khẩu ngoài TPHCM nhưng đang theo học các trường mầm non trên địa bàn quận, nay phụ huynh muốn tiếp tục tham gia tuyển sinh vào lớp 1 dù điều kiện tuyển sinh của 2 bậc học hoàn toàn khác nhau”, cán bộ này cho biết.
Cô trò lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |
Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận, triển khai tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến nhằm tạo thuận tiện cho phụ huynh như giảm thời gian đi lại, hồ sơ thủ tục… Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập như nhu cầu xét tuyển ngoài danh sách của phụ huynh quá lớn, hệ thống đăng ký tuyển sinh không thể xử lý cùng lúc quá nhiều nhu cầu, nguyện vọng cá nhân của phụ huynh HS.
“Thời gian đầu triển khai, tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến chỉ phù hợp với nguyện vọng chọn trường học gần nhà, nơi cư trú của HS, không phù hợp với trường hợp phụ huynh HS muốn đăng ký trường gần nơi công tác để thuận tiện đưa đón, trường chất lượng cao”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Theo đại diện các phòng GD-ĐT, nếu tiếp tục triển khai tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến, trong đó có việc mở rộng phạm vi áp dụng bản đồ GIS trong các năm học kế tiếp, thành phố cần tính toán lại các điều kiện để hoàn thiện phương án tổ chức, trong đó cần tăng cường nhân sự chuyên trách giáo dục ở các địa phương.
Chưa thể giảm áp lực tuyển sinh vào lớp 6
Theo số liệu do Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố, năm 2023, kỳ khảo sát năng lực xét tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) có 4.800 hồ sơ đăng ký dự khảo sát, tăng hơn 1.200 hồ sơ so với năm học trước. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường này là 525 học sinh, hồ sơ đăng ký dự tuyển cao gấp 9 lần, tương đương tỷ lệ chọi 1 “chọi” 9.
Một đơn vị khác cũng tổ chức khảo sát xét tuyển vào lớp 6 là Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức). Hiện tại, nhà trường đã kết thúc giai đoạn đăng ký dự khảo sát trực tuyến (từ ngày 8 đến 12-6). Từ ngày 13 đến 19-6, phụ huynh đến trường trực tiếp nộp hồ sơ tham dự khảo sát. Thống kê ở giai đoạn đầu cho thấy, hồ sơ đăng ký gấp 4-5 lần chỉ tiêu tuyển sinh dù đây là năm học đầu tiên trường này triển khai khảo sát năng lực xét tuyển vào lớp 6.
Với cách làm khác, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) năm học 2023-2024 bổ sung thêm tiêu chí “điểm danh hiệu khen thưởng” vào xét tuyển học sinh lớp 6. Cụ thể, ngoài các tiêu chí xét tuyển dựa trên tổng điểm kiểm tra cuối năm học 2 môn tiếng Việt và Toán của 3 năm lớp 3, 4 và 5, học sinh đạt chứng nhận “Hoàn thành chương trình tiểu học”, điểm ưu tiên hoặc khuyến khích (nếu có), nhà trường quy định thêm “điểm danh hiệu khen thưởng”. Theo đó, học sinh được công nhận “Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” cuối năm lớp 5 và ít nhất 2 năm học ở cấp tiểu học sẽ được cộng thêm điểm danh hiệu khen thưởng. Nguyên tắc xét tuyển là tổng điểm theo thứ tự từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
Nhiều năm trở lại đây, TPHCM đã nỗ lực triển khai các giải pháp như tổ chức bài khảo sát năng lực, xét tuyển thêm tiêu chí phụ nhằm giảm áp lực tuyển sinh vào lớp 6 một số trường có chất lượng cao như THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THCS Nguyễn Du (quận 1), THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), THCS Vân Đồn (quận 4)… Tuy nhiên, do nhu cầu tuyển sinh hàng năm khá lớn, trong khi chỉ tiêu có giới hạn dẫn đến tình trạng phụ huynh và học sinh phải “chạy đua” danh hiệu, bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để đảm bảo suất học vào lớp 6.