Từ Romania, Đức, Ba Lan, đến Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha…, biểu tình, tuần hành bằng xe kéo trong trung tâm thành phố, phong tỏa đường cao tốc… đã và đang diễn ra.
Có rất nhiều lý do dẫn đến phong trào phản kháng như vậy. Tại Romania, Ba Lan, Bulgaria, chủ yếu là liên quan đến đòi hỏi ngăn chặn ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine và Nga, đang làm rớt giá nông phẩm của các nước này. Ở những nước khác là việc áp dụng quy định về phân đạm nitrat. Tiếp đến, là giá năng lượng tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến các hộ gia đình mà còn ảnh hưởng đến trang trại, trang thiết bị, các nhà kính của nông dân.
Cuộc phản kháng bùng phát trước hết với việc nông dân Hà Lan phản đối quyết định của chính phủ cắt giảm một nửa lượng bò nuôi, trong lúc nông dân Đức giận dữ vì bị cắt giảm trợ giá dầu diesel cho nông nghiệp. Các quyết định nói trên của Chính phủ Hà Lan và Đức đều dựa trên cơ sở tuân thủ mục tiêu cắt giảm khí thải trong nông nghiệp.
Theo các hãng tin phương Tây, nội dung chủ yếu của cuộc họp giữa các bộ trưởng nông nghiệp EU lần này là đối thoại chiến lược về tương lai nền nông nghiệp tại châu Âu, đảm bảo quyền tự chủ chiến lược và an ninh lương thực của khối. Những người đứng đầu ngành nông nghiệp châu Âu hiện chưa có các biện pháp cụ thể đáp ứng các đòi hỏi của giới nông dân.
Dù Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan C.Siekierski cho hay lập trường của EU với một số vấn đề đã mềm mỏng hơn do sức ép từ các cuộc biểu tình, giới quan sát nhận định sẽ còn nhiều cuộc họp căng thẳng nữa trong thời gian tới để giải quyết các vấn đề nội tại, nhất là việc phát triển nông nghiệp làm sao để hài hòa giữa lợi ích của nông dân với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của EU. Giải pháp cho những vướng mắc hiện nay không thể có trong “một sớm, một chiều”.