Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Eurocham, cho rằng Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp châu Âu. Khảo sát từ hơn 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, năm 2019 doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, kinh doanh và mở rộng giao thương tại Việt Nam. Trong đó, TPHCM là điểm đến ưu tiên mà hầu hết các doanh nghiệp châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và mở rộng thị trường.
Lý giải thực tế trên, nhiều doanh nghiệp tham dự đều có nhìn nhận chung là nền kinh tế Việt Nam đang được dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Cụ thể, mức tăng trưởng kinh tế đã tăng từ 6,8% (năm 2017) lên 7,8% (năm 2018). Và dự báo đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức ổn định trên 7% vào năm 2020.
Không dừng lại đó, Việt Nam có nền chính trị ổn định, quy mô thị trường trong nước rất lớn với dân số trên 100 triệu dân. Trong đó, 60% dân số trong độ tuổi lao động. Dân số tập trung khu vực thành thị sẽ đạt con số 54 triệu người vào năm 2035. Những ưu thế này sẽ thúc đẩy thị trường lao động và tiêu dùng của Việt Nam trong những thập niên tới.
Còn với thị trường nước ngoài, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương và đa phương với 54 quốc gia trên thế giới. Thực tế này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu do được hưởng hàng loạt thuế suất ưu đãi.
Riêng với TPHCM, việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, cùng với đó là những nỗ lực cải thiện về chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng tiếp nhận và thủ tục hành chính… đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Âu.
Dẫn chứng vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, hiện có 1.048 dự án đầu tư đến từ châu Âu, với tổng đầu tư 3,86 tỷ USD, tăng 100 dự án so với 2017. Dự kiến con số này sẽ còn tăng mạnh trong năm 2019.
Cũng theo ông Nicolas Audier, tại TPHCM, các doanh nghiệp châu Âu mong muốn tham gia đầu tư vào các lĩnh vực như thành phố thông minh, dự án giao thông, xử lý chất thải, năng lượng xanh… Hình thức đầu tư có thể thực hiện đa dạng phù hợp với tiềm năng và lợi thế của thành phố.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp châu Âu cũng kỳ vọng thành phố sẽ nỗ lực phối hợp cùng Eurocham kiến nghị tháo gỡ rào cản ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất và phát triển thị trường của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Cụ thể, sớm cải thiện hạ tầng logistics tại các cảng, nhất là khu vực Tân Cảng - nơi giải quyết lưu thông 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực phía Nam. Sớm minh bạch thủ tục hành chính liên quan đến hải quan để giảm nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, hỗ trợ Eurocham kiến nghị với Chính phủ gỡ bỏ những quy định bất hợp lý về thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối hàng hóa nhập khẩu nói chung và ô tô, linh kiện máy móc nhập khẩu nói riêng.
Nhanh chóng gỡ bỏ rào cản đầu tư
Liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp châu Âu, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, khẳng định, những than phiền do vướng mắc chính sách thuế, thông quan của doanh nghiệp châu Âu sẽ sớm được giải quyết. Riêng với những quy định cần phải điều chỉnh nhưng vượt quá khả năng, phạm vi giải quyết của thành phố thì thành phố sẽ cùng với doanh nghiệp kiến nghị lên Chính phủ để sớm được tháo gỡ.
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giải quyết những hạn chế, bất cập trong quy định kiểm tra chuyên ngành đối với việc kiểm tra chất lượng xe và linh kiện ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại, thì cần thiết phải thành lập thêm trung tâm tại TPHCM, thay vì chỉ một trung tâm tại Hà Nội như hiện nay. Riêng đối với các công ty hạ tầng quản lý cảng, Chi cục Hải quan TPHCM đã làm việc trực tiếp nhằm nỗ lực đưa ra những sáng kiến giải quyết nhanh thủ tục thông quan, giảm ùn tắc cho doanh nghiệp… trên cơ sở quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ở góc độ xúc tiến thương mại, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại TPHCM, cũng đề nghị Eurocham cần có những tác động rõ nét hơn với EU để sớm thông qua Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Trên thực tế, 85% thuế của các dòng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ được dỡ bỏ khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực.
Một vấn đề khác, những hàng rào kỹ thuật của châu Âu với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam còn quá cao, rất khó để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế khi EVFTA có hiệu lực, nhất là tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ. Do vậy, EU cần thực hiện bước quá độ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ sở giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm thời gian để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất, nhất là khâu sản xuất nguyên liệu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, khẳng định, TPHCM đánh giá rất cao đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Việc tìm hiểu cơ hội EVFTA cũng như những chính sách thu hút đầu tư của TP sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp thành phố tăng khả năng xuất khẩu vào thị trường châu Âu và ngược lại. Chính quyền thành phố sẽ nỗ lực sớm tháo gỡ những rào cản nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại thành phố. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp trong nước, cần thấy rằng để xâm nhập vào thị trường châu Âu cần thiết phải cải thiện chất lượng hàng hóa, quản trị, quản lý… Đặc biệt, phải chủ động nâng cao nhận thức về thị trường toàn cầu để chủ động vượt qua những thách thức, rào cản kỹ thuật, từng bước chinh phục người tiêu dùng ở nhiều thị trường tiềm năng. |