Gỡ “rào cản” chăm lo sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế

Làm việc trong môi trường đặc thù, nhân viên y tế đối mặt với nhiều yếu tố gây ra kiệt sức, áp lực, mệt mỏi, trầm cảm… Thế nhưng, những “rào cản” khách quan và chủ quan đã trì hoãn cơ hội để họ được chăm sóc sức khỏe tâm thần kịp thời.

Bệnh nhân quá đông tạo áp lực không nhỏ lên nhân viên y tế
Bệnh nhân quá đông tạo áp lực không nhỏ lên nhân viên y tế

Kiệt sức và trầm cảm

Chị Trần Thúy Vy (35 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) là điều dưỡng của một bệnh viện công lập ở TPHCM. Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, chị phải hoàn thiện hàng loạt hồ sơ hành chính, rất nhiều ngày trở về nhà khi đã tối muộn. Gia đình thường xuyên hỏi về kế hoạch sinh con của hai vợ chồng khiến chị càng mệt mỏi.

“Khả năng chịu đựng áp lực của tôi không tốt. Căng thẳng, mất ngủ kéo dài nên thỉnh thoảng tôi ngủ gục trong giờ hành chính. Lương điều dưỡng thấp, muốn nghỉ vài ngày thì phải chịu giảm lương. Nhìn đồng nghiệp hoàn thành công việc một cách nhẹ nhàng, tôi càng thấy mình vô dụng, không biết nên làm gì”, chị Trần Thúy Vy trải lòng.

Hai năm trước, anh N.V.T. nộp đơn xin nghỉ việc khi đang là bác sĩ khoa Cấp cứu của một bệnh viện đa khoa hạng 1. Quyết định này đưa ra sau khi anh bị người nhà bệnh nhân chửi mắng, đe dọa nhưng vụ việc không được giải quyết thấu đáo. Trong khi đó, công việc tại khoa Cấp cứu không cho phép anh được nghỉ ngơi hay xao nhãng vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. “Đêm nào trực thì thức trắng vì đông bệnh nhân, khi có ca nặng không qua khỏi thì áp lực nặng nề và rất buồn. Chúng tôi luôn trong trạng thái căng thẳng đầu óc. Bác sĩ chữa được bệnh cho người khác nhưng không tự chữa cho tinh thần của mình”, bác sĩ N.V.T. chia sẻ.

Để tìm hiểu về hội chứng kiệt sức ở nhân viên y tế, BS Phạm Thanh Hải (Bệnh viện Từ Dũ) và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu với 800 nữ điều dưỡng, hộ sinh tại khoa Sản của 9 bệnh viện tại TPHCM. Kết quả ghi nhận, tỷ lệ kiệt sức của nhân viên y tế trong nghiên cứu là 31,4%. Trong khi đó, khảo sát tại Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, 23,6% nhân viên có biểu hiện trầm cảm, hơn 42% có biểu hiện lo âu, hơn 17% bị stress.

Theo ThS-BS-CK1 Giang Ngọc Thụy Vy, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, tình trạng rối loạn tâm thần của nhân viên y tế diễn ra âm ỉ từ lâu và thực sự nặng nề sau đại dịch Covid-19. Riêng tại TPHCM, kết quả nghiên cứu thực hiện tại 10 cơ sở y tế cho thấy, tỷ lệ kiệt sức do nghề nghiệp lên đến 42%, riêng trầm cảm là 18%. Nguyên nhân do khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc kéo dài, áp lực trực đêm và lễ tết, các quy tắc đặc thù của nghề y cũng như không đủ thời gian dành cho gia đình, nghỉ ngơi… Tuy nhiên, nhiều nhân viên y tế không nhận ra bất ổn về sức khỏe tâm thần mà quan tâm nhiều hơn đến bệnh lý thực thể.

ThS Giang Ngọc Thụy Vy nhận định, thực trạng trên diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang rất thiếu các chương trình hỗ trợ về sức khỏe tâm thần, ngay cả với người làm việc trong ngành y. Bên cạnh đó, nhân viên y tế đối mặt với định kiến xã hội và “tự định kiến” khi bản thân gặp vấn đề về tâm thần. Hiện, rất nhiều người vẫn hiểu sai rằng “tâm thần” là từ ngữ chỉ bệnh tâm thần phân liệt mà quên đi trầm cảm, lo âu cũng là vấn đề rối loạn tâm thần. Từ đó, tâm lý kỳ thị ăn sâu vào nhận thức. Một khó khăn khác là việc trị liệu tâm lý thường kéo dài, chi phí cao khiến người bệnh nản lòng, không duy trì.

Gỡ bỏ rào cản từ nhận thức đến hành động

Đối mặt với những con số giật mình về tỷ lệ trầm cảm của nhân viên y tế, TS-BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết, đã tổ chức các buổi trò chuyện “vòng tròn chia sẻ,” “sơ cứu tâm lý” để nâng đỡ tinh thần; thiết kế tài liệu, sổ tay để nhân viên y tế trang bị kiến thức và kỹ năng về sức khỏe tâm thần. Kết quả, tỷ lệ lo âu, trầm cảm trong nhân viên đã giảm đáng kể sau một thời gian. Tuy nhiên, BS Phan Thị Hằng cũng đề xuất lãnh đạo các cơ sở y tế cần tạo môi trường làm việc tích cực, an toàn cho nhân viên; có thái độ tôn trọng, trân trọng công sức, giao đúng việc nhưng không tạo quá nhiều áp lực lên nhân viên y tế. Đồng thời, cần có giải pháp can thiệp sơ cứu tâm lý cho nhân viên y tế sớm nhất có thể, hạn chế sang chấn tâm lý lâu dài.

Là một trong số các cơ sở quan tâm rất sớm đến sức khỏe tâm thần cho nhân viên, Bệnh viện TP Thủ Đức đã thiết lập khu vực nghỉ ngơi, thư giãn, tổ chức các tọa đàm. ThS Phan Thị Hoài Yến, Cố vấn chuyên môn khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức đề xuất, cần xây dựng hệ thống can thiệp gồm 3 yếu tố: chăm sóc chuyên môn cho nhân viên y tế gặp vấn đề sức khỏe tâm thần; xây dựng thêm cơ sở vật chất, cải thiện đời sống cho nhân viên y tế; cập nhật và phát triển hệ thống quản lý, hành chính. Đây là những bước đi đầu tiên trong chiến lược chung về chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế và cộng đồng, đòi hỏi sự đầu tư lâu bền.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng: “Một hệ thống y tế hiệu quả và khỏe mạnh khi nhân viên y tế khỏe mạnh. Một nhân viên y tế khỏe mạnh khi nhân viên đó khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần”. Thời gian qua, thông qua chương trình dự án EPIC của FHI 360 (Tổ chức Family Health International), ngành y tế TPHCM đã triển khai các hoạt động liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần cho nhân viên. Bên cạnh phát triển tổng đài tư vấn, các bệnh viện thiết lập phòng nghỉ ngơi để tạo không gian cho y, bác sĩ giải tỏa căng thẳng. Các lãnh đạo, quản lý được tập huấn để nhận thức tốt hơn về vai trò của sức khỏe tâm thần với nhân viên cũng như các phương thức xử lý, vượt qua căng thẳng.

Tin cùng chuyên mục