Số tiền tiết kiệm được không dừng ở đó, bởi ngành NN-PTNT cũng đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa thủ tục; cắt giảm, đơn giản hóa 73% số điều kiện kinh doanh.
Đặc biệt, tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ chỗ có 251 nhóm sản phẩm với gần 7.700 dòng hàng (5 năm trước) đã được cắt giảm tới 78%… Cùng với đó, bộ đã thực hiện tập trung thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với 14 nhóm sản phẩm, hàng hóa.
Việc một lĩnh vực rộng lớn có thể cắt giảm, đơn giản hóa xấp xỉ 2/3 về số thủ tục, điều kiện kinh doanh cho đến sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành được nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận là “rất ấn tượng”.
Tuy nhiên, như chính Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, một số thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công còn yếu.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong nông nghiệp đòi hỏi phải có hạ tầng số và hệ thống dữ liệu (cây trồng, vật nuôi, văn bản chính sách đã được số hóa) đồng bộ, hiện đại. Song, hạ tầng kết nối còn lạc hậu và chi phí 3G, 4G cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản ở vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử.
Trong khi đó, cả nước mới có khoảng 2.200/19.000 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số, với gần 2% tổng số hộ nông dân được tập huấn công nghệ số; mặt khác, hệ thống cơ sở dữ liệu này cũng còn rất hạn chế, thiếu minh bạch xuất xứ sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản…
Để thụ hưởng được tiện ích mà công cuộc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số mang lại, có tới 2 lớp rào cản cần gỡ bỏ. Đó là những thủ tục rườm rà, bất hợp lý phía cơ quan quản lý nhà nước và những hạn chế từ phía người dân, doanh nghiệp do thiếu thốn thông tin và kỹ năng.