Mỗi năm, trung bình TPHCM xây thêm 1.200 phòng học. Những ngôi trường mới liên tiếp mọc lên giữa chốn đô thị chật chội, tấc đất tấc vàng. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang từng bước phối hợp với doanh nghiệp thực hiện “đào tạo kép”, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Xóa “trường làng” giữa đô thị
Quận Tân Bình là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi diện mạo trường lớp giai đoạn 2016-2020, với việc đưa vào sử dụng hàng chục ngôi trường mới. Mới đây, quận đưa vào sử dụng Trường Mầm non Tân Sơn Nhất (phường 4) và Trường Tiểu học Phan Huy Ích (phường 15). Đặc biệt, Trường Tiểu học Phan Huy Ích kịp thời đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết vấn nạn quá tải học sinh cho địa bàn phường 15 - vấn đề nóng kéo dài hàng chục năm nay.
Là người nhiều năm trực tiếp chứng kiến sự quá tải học sinh trên địa bàn phường 15, ông Hoàng Xuân Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Trụ, chia sẻ: “Những năm trước, Trường Tiểu học Tân Trụ và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp (cùng phường 15) có sĩ số học sinh luôn “khủng”. Riêng trường Tân Trụ, bình quân lớp tăng cường tiếng Anh là 57-60 học sinh/lớp, lớp thường 45-50 học sinh/lớp. Học sinh ken dày, bàn ghế san sát, các em đi lại phải nghiêng người mới lách ra được. Lớp học chật chội vì học sinh quá tải, trường còn phải tận dụng phòng thư viện và hội trường làm lớp học. Muốn duy trì bán trú cho học sinh toàn trường là việc vượt khả năng. Hệ quả, nhiều phụ huynh phải bỏ việc ở công ty, doanh nghiệp, có người công ty cách xa trường 5-10km cũng phải về đón con. Giờ có thêm trường mới, học sinh 3 trường sẽ được học bán trú 100%, phụ huynh bớt cực đưa đón con, yên tâm làm ăn”.
Trên địa bàn quận 8, những năm trước, khi đến Trường THCS Phú Lợi (phường 7, quận 8) vào đúng mùa mưa là cảm nhận được cảnh “trường làng” nằm ngay giữa lòng thành phố hiện đại. Băng qua con đường ngoằn ngoèo bụi đất, dù đã vào trường mà nước vẫn ngập tới đầu gối. Phòng ban giám hiệu là một khu nhà cấp 4 xập xệ. Phòng học của học sinh đều là bàn ghế đã cũ kỹ, xuống cấp. Năm học 2016-2017, Trường THCS Phú Lợi lột xác, thay thế bằng một ngôi trường hiện đại, xây trên diện tích gần 10.000m2, thiết kế đạt chuẩn với 61 phòng học, đầy đủ các phòng chức năng, có cả nhà thi đấu đa năng. Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, phấn khởi: “Không chỉ riêng trường Phú Lợi, trong 5 năm qua, quận 8 xây mới được 81 trường học. Trường lớp hiện đại giúp học sinh có điều kiện phát triển toàn diện và chuyên sâu về năng khiếu, sở trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.
Ở ngay trung tâm TPHCM, quận 3 luôn ấp ủ từ lâu chuyện xây mới hàng chục ngôi trường, trong đó có 4 công trình cấp bách cần được triển khai ngay, gồm: Trường THCS Phan Sào Nam, Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà, Trường Mầm non quận 3, Trường THCS Lương Thế Vinh (2 cơ sở) nhằm giúp các trường trên địa bàn giảm tải học sinh, tăng tỷ lệ học sinh được học bán trú. Tuy nhiên, phần do vướng công tác giải phóng mặt bằng, phần người dân chưa chấp thuận mức giá đền bù…, các dự án đành “đắp chiếu”. Nếu “nút thắt” này không sớm tháo gỡ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và giảm niềm tin của phụ huynh, học sinh. Từ nỗ lực của chính quyền ra sức vận động và thực hiện các chính sách đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân có đất, người dân quận 3 đã dần thấu hiểu, rồi đồng lòng chấp thuận bàn giao mặt bằng. Cuối năm 2019, quận 3 đã khởi công xây mới 4 dự án trên và 1 nhà thiếu nhi với tổng giá trị đầu tư khoảng 281 tỷ đồng.
Giáo dục ngoại thành bứt phá
Mỗi năm, TPHCM ưu tiên phê duyệt 20%-25% tổng ngân sách cho giáo dục. Trong số này, TP dành riêng 3.000-4.000 tỷ đồng xây trường lớp. Nhờ “chiếc phao cứu sinh” này, các quận, huyện đều thể hiện quyết tâm cao, xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm tạo quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, giải tỏa dần áp lực về chỗ học. Không chỉ đạt mà quận 9 còn “thừa” chỉ tiêu phòng học/10.000 dân. Có nhiều thuận lợi về quỹ đất, trong 5 năm qua, quận đã cải tạo, nâng cấp, xây 44 trường, tương ứng 848 phòng học mới với tổng kinh phí gần 1.200 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND quận 9, phấn khởi chia sẻ: “Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, đến cuối năm 2020 cần đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân. Nhưng, tại quận 9, tính đến hết ngày 31-10-2019, quận đã đạt 302 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, thừa 2 phòng học/10.000 dân. Chúng tôi tự hào vì đã hoàn thành chỉ tiêu trước 12 tháng”.
Nâng chất nguồn nhân lực
Cùng với việc tập trung nguồn lực đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất cho bậc phổ thông, 5 năm qua TPHCM sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường hội nhập. Toàn TPHCM có 4,7 triệu người lao động, trong đó có 4 triệu lao động đã được đào tạo. Việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (DN), bằng mô hình “đào tạo kép” - đào tạo 30% lý thuyết ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 70% thực hành ở DN - được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra.
Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM (HOTEC), nhà trường xem mối liên kết giữa DN với nhà trường là việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đào tạo. Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng HOTEC, chia sẻ, HOTEC đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới khu nhà D, trong đó có các xưởng thực hành robot; xưởng cơ khí chính xác CAD/CAM/CNC; xưởng tự động hóa; phòng thí nghiệm vật lý - hóa học... với trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn. Đối với khối ngành kinh tế, HOTEC đã xây dựng phòng thực hành DN ảo, giúp học viên, sinh viên có được môi trường học tập “như thật”, gắn với thực tiễn. Trong đào tạo, HOTEC liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước; ký ghi nhớ (MOU) với 78 DN để tổ chức thực hành, thực tập theo mô hình “đào tạo kép”. 5 năm qua, có trên 10.000 học viên, sinh viên các bậc học, ngành học tốt nghiệp ra trường; trên 90% người học có việc làm ổn định và đúng ngành nghề. 100% cán bộ quản lý, giảng viên đạt trình độ trên chuẩn.
Cũng đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu thực tiễn của DN, Trường Cao đẳng Nghề TPHCM đã bảo đảm đầu ra cho học viên, sinh viên. Chương trình đào tạo được trường xây dựng 70% thời lượng là thực hành nên ngay khi tốt nghiệp, sinh viên có thể “nhập cuộc” ngay vào môi trường DN, không phải đào tạo lại. Trường được Bộ LĐTB-XH chọn là 1 trong 40 trường nghề trọng điểm được đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2020. Nói về liên kết đào tạo quốc tế, ông Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM, phấn khởi cho biết, trường và Học viện Chisholm (Australia) vừa tổ chức trao bằng Cao đẳng cấp độ quốc tế của Australia cho 46 sinh viên. 100% sinh viên đạt trình độ tiếng Anh B1 theo quy định. Đặc biệt, trong tổng số 46 sinh viên tốt nghiệp đã có 23 sinh viên được các DN tuyển dụng trực tiếp ngay, số còn lại đang đợi DN bố trí việc làm.