Gỡ nút thắt tư vấn tâm lý trong trường học

Ngày 26-4, hơn 200 chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông đã chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức tư vấn tâm lý (TVTL) cho học sinh thông qua hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả TVTL cho học sinh trong trường phổ thông” do Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế và Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) tổ chức. 

Giáo viên kiêm nhiệm

Báo cáo về tình hình hoạt động TVTL trong trường phổ thông, bà Cao Thị Thiên Phúc, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, từ năm 2003, TPHCM bắt đầu có các hoạt động khuyến khích phát triển công tác TVTL trong trường học. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý và các quy định cụ thể nên việc triển khai còn hạn chế. Năm 2008, UBND TPHCM có văn bản số 5344 (ngày 22-8-2008) cho phép bổ sung biên chế giáo viên tư vấn trong trường học. Đặc biệt, đầu năm học 2012-2013, TPHCM tiếp tục có quy định tạm thời về công tác tư vấn trong trường học, giúp các đơn vị đẩy mạnh hơn hoạt động này.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) rèn kỹ năng làm việc nhóm
Năm 2017, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 31 về hướng dẫn thực hiện công tác TVTL cho học sinh trong trường phổ thông, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động tư vấn. Tuy nhiên, tại khoản 1, điều 8, chương 2 quy định điều kiện đảm bảo thực hiện công tác TVTL cho học sinh thì đội ngũ thực hiện vẫn là kiêm nhiệm, chưa có định biên cứng giáo viên TVTL trong nhà trường. Ông Mai Hồng Thanh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, cho biết, giáo viên được phân công kiêm nhiệm công tác TVTL, thiếu thời gian tìm hiểu sâu kiến thức, kỹ năng tư vấn dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao.


Ở góc độ khác, cô Phạm Thị Kim Dung, giáo viên TVTL, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) bày tỏ, một mình giáo viên TVTL không thể kham nổi nhiệm vụ tư vấn cho gần 2.000 học sinh mà cần kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các cộng tác viên là học sinh nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, từ đó đưa ra hoạt động tư vấn phù hợp lứa tuổi. Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên TVTL, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) tâm tư, hiện nay ở nhiều đơn vị có tình trạng giáo viên TVTL được yêu cầu hỗ trợ công tác giám thị, dạy môn Giáo dục công dân, do chưa có quy định cứng về vị trí việc làm. 

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, hoạt động TVTL trong trường phổ thông hiện nay còn manh mún, phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của hiệu trưởng. “Để hoạt động mang tính đồng đều và hiệu quả, cần có cơ sở pháp lý bằng văn bản để các trường thống nhất thực hiện. Ngoài việc bổ sung biên chế giáo viên TVTL, cần có thêm quy định về chuẩn trình độ giáo viên, chương trình giảng dạy giúp hoạt động đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả”, ông Khoa đề xuất. 

Cần chuẩn hóa đội ngũ

TS Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TPHCM) đánh giá, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh đang có vấn đề về tinh thần. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên TVTL hiện nay có trình độ không đồng đều. Nhiều khóa đào tạo ngắn hạn được mở ra với thời lượng khiêm tốn, học phí vài triệu đồng là được cấp chứng chỉ hành nghề nên không đảm bảo về chất lượng. 

Về phía các trường học, TS Huỳnh Văn Chẩn cho biết, mô hình dạy kỹ năng sống cho học sinh đang được nhiều trường phổ thông triển khai theo hình thức “học lý thuyết chay ở sân trường” quy mô 200-300 người không mang lại hiệu quả. Thay vào đó, các hoạt động tư vấn và rèn kỹ năng cho học sinh cần được tiến hành ở quy mô nhỏ, kết hợp thực hành. Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Nhung, giảng viên khoa Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, nhìn nhận, để hoạt động TVTL trong trường học đạt hiệu quả, cần được tiến hành song song ở 3 cấp độ gồm: tư vấn chuyên biệt cho học sinh; hỗ trợ theo nhóm và tư vấn đại trà; kết hợp giáo dục gia đình và nhà trường. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố hiện có 646/2.416 cơ sở trường học thành lập phòng TVTL; hơn 10.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên được phân công phụ trách TVTL trong trường học. Trong đó, chưa đến 50% đội ngũ được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tới đây 2 ngành giáo dục và y tế sẽ phối hợp với các trường đại học tổ chức thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên TVTL. Song song đó, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Nguyễn Minh Nhật đề xuất, ngành giáo dục xây dựng đề án về tuyển dụng và chế độ, chính sách đối với giáo viên TVTL ở các trường học nhằm chuẩn hóa đội ngũ, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động TVTL ở các đơn vị trường học. 

“Khi có trường hợp học sinh tự tử, mọi trách nhiệm thường đổ hết cho giáo viên TVTL trong khi nhiệm vụ của chúng tôi chủ yếu là phòng ngừa, dự báo, giúp học sinh giải tỏa khó khăn về tâm lý nhất thời. Những trường hợp cần can thiệp sâu hơn về y tế cần sự hỗ trợ của các chuyên gia”, cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên TVTL, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) tâm tư. 

Tin cùng chuyên mục