TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương |
PHÓNG VIÊN: Nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu điện hiện nay là do đâu, thưa ông?
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện có tính hệ thống, đã được cảnh báo từ nhiều năm nhưng chúng ta chưa có hành động rõ ràng. Nhiều năm nay, ở miền Bắc không có nhà máy điện mới. Truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc bị giới hạn công suất. Các dự án năng lượng tái tạo ở miền Bắc đang chững lại mà nguyên nhân chủ yếu là cơ chế giá không phù hợp.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư phát triển ngành điện rất lớn. Theo VIET.SE (Sáng kiến chuyển dịch năng lượng Viêt Nam), nhu cầu đầu tư cho nguồn điện giai đoạn 2021-2030 là 120 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần 12 tỷ USD và cần đầu tư cho lưới chuyển tải khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường điện triển khai chậm, cơ chế giá bất cập chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư. Do đó, tình trạng thiếu điện được dự báo sẽ còn kéo dài.
"Để thúc đẩy các dự án, khắc phục tình trạng thiếu điện, phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt kìm hãm sự phát triển. Do đó, nút thắt thiếu điện phải được gỡ từ hệ thống, quy hoạch, cơ cấu… và phải thay đổi từ cách làm chính sách, thu hút được đầu tư tư nhân" - TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG.
Như ông đề cập, chính sách giá điện, thị trường điện còn nhiều bất cập và hạn chế. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Cơ chế quản lý giá điện hiện nay có mặt được là giữ giá điện ổn định ở mức khá thấp, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí sản xuất kinh doanh; không có biến động lớn có thể tác động bất lợi đến nhóm người thu nhập thấp; đảm bảo quyền tiếp cận điện đối với nhóm người thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… Nhưng mặt chưa được là chi phí sản xuất kinh doanh điện, gồm phát điện, chuyển tải, phân phối bán buôn, bán lẻ điện và các dịch vụ phụ trợ hệ thống điện hay gây tranh cãi.
Xem xét sâu sẽ thấy, một số bộ phận cấu thành giá điện đang được định giá thấp hơn mức giá thị trường. Giá điện hiện nay không công bằng và hơn 10 năm qua đang có sự bù chéo phổ biến trong giá bán lẻ điện giữa các nhóm hộ tiêu dùng điện và trong nội bộ từng nhóm. Ví dụ, trong nhóm điện sinh hoạt, nhóm tiêu dùng nhiều điện bù cho nhóm tiêu dùng ít điện. Giữa các nhóm thì nhóm tiêu dùng sinh hoạt và nhóm kinh doanh phải trả giá cao hơn, nhóm các ngành sản xuất thường trả mức giá thấp hơn. Cơ chế giá điện hiện nay chưa tính đúng, tính đủ chi phí cùng với chính sách bù chéo làm cho giá bán lẻ điện trở nên méo mó, sai lệch.
Công nhân điện lực bảo dưỡng đường dây 500kV Bắc Nam |
Vậy giải pháp là gì, thưa ông?
Theo tôi, thứ nhất, cần tích cực truyền thông phản ánh khách quan các mặt được và chưa được của phát triển ngành điện, vận hành hệ thống điện, vấn đề yếu kém cũng như yêu cầu đổi mới ngành điện và khả năng giá điện sẽ tăng. Thứ hai là nới rộng khung giá bán lẻ điện bình quân. Thứ ba là giảm và tiến tới xóa bỏ bù chéo về giá bán lẻ điện; thực hiện một mức giá bán lẻ đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt và một mức giá bán lẻ đối với sản xuất kinh doanh, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Thứ tư là huy động tối đa có thể công suất điện mặt trời, điện gió theo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, bên mua điện, Nhà nước và người tiêu dùng điện vì sự phát triển chung của đất nước. Thứ năm là đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy điện mới, nhất là các nhà máy đã có trong Quy hoạch điện VII đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch; thực hiện nhanh, hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Thứ sáu là đẩy nhanh và sớm vận hành thị trường điện bán buôn và bán lẻ cạnh tranh.