Gỡ nút thắt PPP, khơi thông nguồn vốn xã hội

Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) 2020 ra đời với kỳ vọng mở ra thời kỳ mới cho hoạt động đầu tư ở Việt Nam, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, kỳ vọng này không đạt được!

Hành loạt dự án "đứng hình"

Theo số liệu từ Bộ KH-ĐT, tính từ thời điểm Luật PPP có hiệu lực (1-1-2021) đến giữa năm 2024, có tổng cộng 36 dự án PPP mới được triển khai trên cả nước. Trong đó có 30 dự án giao thông, còn lại là các dự án xử lý nước thải, cung cấp nước sạch, dự án hạ tầng và một dự án trong lĩnh vực y tế. Xét về loại hợp đồng thì chủ yếu vẫn là BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) với 28 dự án. Còn lại là hợp đồng BLT (xây dựng, thuê dịch vụ, chuyển giao - 3 dự án), hợp đồng BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh - 4 dự án) và hợp đồng O&M (kinh doanh, quản lý - 1 dự án).

chu de.jpg
Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) 2020 ra đời với kỳ vọng mở ra thời kỳ mới cho hoạt động đầu tư ở Việt Nam, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, kỳ vọng này không đạt được!

Trong khi đó, trước khi Luật PPP ra đời, bằng chủ trương xã hội hóa, trong hơn 10 năm cả nước đã có 336 dự án PPP được ký kết hợp đồng (chủ yếu là BOT và BT - xây dựng, chuyển giao) với tổng vốn huy động khoảng 1,609 triệu tỷ đồng. Trong đó chủ yếu vẫn là các dự án giao thông (66%), còn lại là lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm hành chính, lĩnh vực năng lượng, cấp thoát nước… Nhìn nhận về số lượng quá ít ỏi các dự án PPP được triển khai thời gian qua, bà Nguyễn Thị Linh Giang, Chánh văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT, cho rằng tuy số lượng chưa nhiều nhưng đây là những dự án quy mô rất lớn. Việc chuẩn bị càng kỹ, tỷ lệ thành công càng cao, do đó có thể phải chờ đợi để thấy các dự án PPP thành công trong thời gian tới.

$5a.jpg
Khu trường đua Phú Thọ (quận 11), nơi vừa được TPHCM kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng mới khu tập luyện và thi đấu thể thao ngoài trời theo hình thức PPP

Bên cạnh việc các dự án PPP mới rất hạn chế, thì hàng loạt dự án PPP trước đây cũng bị “đứng hình”, chưa có hướng xử lý. Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, hiện vẫn còn 5 dự án BT (hình thức này đã không còn được xác định trong luật PPP 2020) thanh toán bằng tiền vẫn chưa giải quyết xong, rất phức tạp. Với hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất, hiện có hơn 200 dự án đang bị ách tắc, không triển khai tiếp được, dẫn đến nhiều rắc rối về mặt pháp lý rất khó giải quyết.

Tại TPHCM, “nổi tiếng” nhất thời gian qua là dự án PPP nhà thi đấu Phan Đình Phùng, được Thủ tướng chấp thuận đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008. Hiện dự án được quây tôn kín mít, mảnh đất vàng ngay giữa trung tâm TPHCM để cỏ dại mọc hoang hóa suốt mười mấy năm. Qua nhiều lần thay đổi liên danh nhà đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư (đội vốn), dự án vẫn chưa thể triển khai trên thực tế. Tháng 5-2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng đầu tư dự án này theo hình thức BT, chuyển sang đầu tư công. Nhà đầu tư báo cáo các chi phí liên quan đã bỏ ra cho dự án là hơn 171 tỷ đồng, đề nghị hoàn trả.

Gỡ vướng: không thể chậm hơn nữa

Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Nhất là khi vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ đáp ứng được khoảng 16%-17% tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội. Luật PPP ra đời với nhiều kỳ vọng thu hút vốn đầu tư xã hội để phát triển đất nước, đặc biệt là về hạ tầng. Nhưng thực tiễn hơn 3 năm qua đã cho thấy bức tranh ngược lại. Các chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương sơ kết, đánh giá lại luật này.

Theo ông Đặng Đức Cường, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank), những yếu tố cản trở là: sự hạn chế về các loại hình đầu tư, yêu cầu về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quá cao; mức trần tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp (không quá 50%); đặc biệt là bất hợp lý về cơ chế chia sẻ rủi ro. Cụ thể, theo Điều 82 Luật PPP, khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phần chênh lệch (giữa mức 75% mức doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế). Chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được sử dụng từ dự phòng ngân sách. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách nhà nước, mức bố trí dự phòng ngân sách rất thấp (chỉ từ 2%-4% tổng chi ngân sách mỗi cấp).

Theo chuyên gia World Bank, riêng vùng Đông Nam bộ có nhiều dự án đầu tư cấp vùng rất tiềm năng cần vốn tư nhân, như Vành đai 3 TPHCM, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, những hạn chế kể trên đã cản trở việc triển khai các dự án này theo PPP, dẫn đến việc triển khai chậm trễ và phải sử dụng 100% vốn nhà nước.

PGS-TS Dương Đăng Huệ (Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp) nhận định, thực tiễn đầu tư PPP có quy mô to lớn, nhưng đang được quản lý bằng một hệ thống pháp luật rất nghèo nàn, đơn giản. Dù đã có luật, có một số nghị định và thông tư hướng dẫn, nhưng nhiều vấn đề liên quan đến PPP đến nay vẫn chưa cụ thể. Chẳng hạn như luật PPP hiện hành còn thiếu quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong trường hợp chậm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án; về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý phần doanh thu tăng, giảm…

TS Trần Du Lịch nêu một ví dụ thực tế khác, đó là khi TPHCM muốn kêu gọi BOT Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, có nhà đầu tư gặp ông, nói rằng họ sẽ làm khu liên hợp có quy mô 50.000 chỗ ngồi, hiện đại nhất để có thể tổ chức đá bóng, đại nhạc hội, hoạt động 4 mùa, tổng vốn khoảng 400-500 triệu USD; một số công trình khác trong khu như hồ bơi, tennis, nhà thi đấu trong nhà thì nhà nước làm, nhưng khai thác thì khai thác tổng thể. Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi, chính quyền thành phố có thể giống như Singapore, cam kết chọn nơi này để tổ chức các sự kiện của nhà nước được hay không? Đây là những tình huống thực tiễn đặt ra, là bài toán pháp lý cần cân nhắc mà quy định chưa với tới.

Theo các chuyên gia, Luật PPP sau hơn 3 năm triển khai cần được đánh giá lại toàn diện và sửa đổi cho phù hợp mới mong muốn “giải cứu” được các dự án PPP đang triển khai, cũng như khơi thông nguồn lực vốn đầu tư tư nhân trong tương lai.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 35/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Song song đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2021 về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP và Nghị định số 69/2019 về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Tất cả đều trình Chính phủ trong tháng 9 năm nay. Yêu cầu được Chính phủ đặt ra là việc sửa đổi, bổ sung các nghị định này đảm bảo đồng bộ, toàn diện, giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án theo hình thức hợp đồng BT chuyển tiếp, đang triển khai dở dang, trong đó tăng cường phân cấp và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT.

Chọn đúng, triển khai tốt

Tại một hội thảo mới đây do UBND TPHCM tổ chức, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho biết, nhiệm kỳ 2011-2015, tổng vốn đầu tư xã hội của TPHCM là 1.192.386 tỷ đồng, bình quân 1 năm là 238.477 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư xã hội là 1.952.374 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 390.475 tỷ đồng. Nhưng 3 năm qua, bình quân 1 năm chỉ đạt 335.000 tỷ đồng. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, vốn đầu tư là đòn bẩy, là động lực phát triển, quyết định đến 40% tăng trưởng của TPHCM. Vốn đầu tư xã hội của TPHCM bị giảm, tăng trưởng cũng không bằng trước đây thì hiệu quả sử dụng vốn cần được xem xét lại. Giai đoạn tới muốn phát triển, TPHCM cũng cần giải pháp tăng vốn đầu tư.

Nghị quyết 98 cũng cho phép TPHCM một số cơ chế mở hơn so với luật hiện hành về thu hút PPP. Song TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cùng nhiều chuyên gia đánh giá rằng, Nghị quyết 98 cũng chưa đủ “gỡ” cho TPHCM về PPP. Thực hiện Nghị quyết 98, từ tháng 12-2023, HĐND TPHCM đã thông qua danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư PPP thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. TS Trần Du Lịch cho biết, các dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, có thể triển khai từ năm sau.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia về PPP đã chỉ ra rằng, danh sách 41 dự án kêu gọi đầu tư PPP nói trên của TPHCM chưa có sự phân định rạch ròi giữa phương thức đầu tư công - tư. Chẳng hạn, dự án xây dựng khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh và một số dự án xây dựng trường tiểu học, mầm non tiêu chuẩn quốc tế… Khám bệnh chất lượng quốc tế mà làm theo PPP thì không hợp lý lắm, vì chi phí người bệnh trả cho bệnh viện công và cho khoa khám PPP sẽ như nhau. Thay vì làm PPP thì có thể xây dựng đầu tư tư nhân đơn thuần sẽ hợp lý hơn.

Không phải nước nào, dự án nào triển khai theo PPP cũng thành công. Phải sàng lọc kỹ và cân nhắc hàng loạt yếu tố, song khi đã chọn đúng, triển khai tốt thì thành quả mà PPP mang lại cũng rất “ngọt ngào”. Đó là nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

MAI HOA

Tin cùng chuyên mục